Thông tư 274-TTg năm 1957 về việc tổ chức Văn phòng các Bộ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 274-TTg
Ngày ban hành 24/06/1957
Ngày có hiệu lực 09/07/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Kế Toại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 274-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ TỔ CHỨC VĂN PHÒNG CÁC BỘ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Các vị Bộ trưởng và Thứ trưởng

Ngày 17 tháng 05 năm 1957 Thủ tướng phủ đã ra Nghị định số 209-TTg quy định lại nhiệm vụ của Văn phòng các Bộ.

Theo hướng kiện toàn các cơ quan của Chính phủ, những nhiệm vụ mới giao cho Văn phòng Bộ nhằm đáp ứng vào mấy yêu cầu cấp bách hiện nay đề ra cho công tác của Văn phòng Bộ là:

- Giúp Bộ trưởng trong việc tổng hợp tình hình công tác của Bộ gồm toàn thể các mặt để khỏi sót việc lớn và làm được việc đôn đốc điều hòa phối hợp chung.

- Giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện sự tập thể chỉ đạo của Bộ.

- Giúp Bộ trưởng trong việc bảo đảm sự tôn trọng những nguyên tắc tổ chức chính quyền trong mọi hoạt động của Bộ, xây dựng nền nếp làm việc chính quy của cơ quan Nhà nước.

Thông tư này giải thích và quy định các chi tiết thi hành việc chỉnh đốn Văn phòng của Bộ theo hướng mà Nghị định đã đề ra.

I. NHIỆM VỤ CỦA CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ

Nhiệm vụ của Văn phòng Bộ đã được quy định cụ thể trong Nghị định. Có mấy điểm cần nói rõ thêm như sau:

1) Nhiệm vụ chính của Chánh văn phòng Bộ là tổng hợp tình hình. Chánh văn phòng Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng trong các việc tổng hợp tình hình công tác của Bộ về mọi mặt để đề xuất những vấn đề về đường lối chung; điều hòa, phối hợp công tác của các ngành thuộc Bộ.

2) Chánh văn phòng Bộ giúp Bộ trưởng làm những công việc cần thiết về Hội đồng Chính phủ. Trước khi họp Hội đồng Chính phủ, Chánh văn phòng Bộ có nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan trực thuộc Bộ để lấy các báo cáo và tài liệu về tình hình công tác của Bộ và chuẩn bị mọi tài liệu cần thiết cho Bộ trưởng đi họp.

3) Chánh văn phòng Bộ cũng là người sẽ giúp Bộ trưởng thực hiện chương trình sinh hoạt của Bộ. Chánh văn phòng Bộ có nhiệm vụ triệu tập hội nghị Giám đốc (1), chuyển đạt các nghị quyết của hội nghị đến các Nha, Sở, Vụ, theo dõi và nhắc nhở việc thi hành các nghị quyết này và việc làm báo cáo lên Bộ trưởng

4) Nhiệm vụ về pháp chế: Chánh văn phòng Bộ có trách nhiệm thực hiện lề lối làm việc chính quy về công văn giấy tờ trong Văn phòng Bộ và trong các cơ quan thuộc Bộ; kiểm soát và điều chỉnh các văn bản của Bộ đã ban hành về mặt pháp chế, để bảo đảm tôn trọng nền pháp trị dân chủ.

Bên cạnh các công việc trên, Chánh văn phòng Bộ cần chú ý nghiên cứu các vấn đề về đường lối phương châm chung của Bộ hoặc các vấn đề chưa có bộ phận nào phụ trách.

II. TỔ CHỨC VĂN PHÒNG BỘ

Căn cứ vào nhiệm vụ của Văn phòng, Nghị định số 209-TTg ngày 17 tháng 05 năm 1957 đã nêu rõ mấy bộ phận công tác chính của Văn phòng Bộ là:

- Tổng hợp.

- Pháp chế (nếu chưa có công nghiệp chuyên trách trực thuộc Bộ).

- Hành chính

- Quản trị

Ngoài các bộ phận này, Văn phòng Bộ còn làm một số các công tác khác như là: Tài vụ, Tổ chức và cán bộ, tuyên truyền, báo chí, thi đua, bảo vệ, chuyên gia, phiên dịch… nếu những phần việc này chưa được tổ chức thành những đơn vị công tác trực thuộc Bộ.

Riêng về bộ phận pháp chế vì là một bộ phận công tác chuyên môn, thì cũng không nhất thiết phải để ở Văn phòng, ví dụ ở Bộ Tư pháp thì công tác pháp chế do Ban nghiên cứu pháp luật phụ trách và ở Bộ Lao động thì giao cho Ban Thanh tra; nhưng nếu phải giao cho Văn phòng Bộ đảm nhiệm thì công tác này phải được coi trọng.

Vấn đề cán bộ: công tác của các bộ phận tổng hợp và pháp chế là công tác đòi hỏi cán bộ phải có một trình độ chính trị và trình độ nghiệp vụ nhất định để có thể đi sâu nghiên cứu, phân tích và phát hiện vấn đề. Cán bộ của hai bộ phận công tác này cũng không nên thay đổi luôn để nắm được vững tình hình trước và sau và có nhiều kinh nghiệm lợi cho công việc. Theo kinh nghiệm ở một số Bộ, những cán bộ dùng trong hai bộ phận này cần phải có trình độ tương đối khá.

III. CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

Để bảo đảm cho Văn phòng Bộ làm được đầy đủ các nhiệm vụ, để cho Chánh văn phòng Bộ có nhiều thì giờ làm nhiệm vụ tổng hợp, các Bộ cần quy định cụ thể những chế độ công tác như sau:

[...]