Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 27/2018/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 16/11/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2018/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÂM SẢN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.

2. Hồ sơ lâm sản hợp pháp, kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản.

3. Đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán (sau đây viết chung là mẫu vật).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, hộ kinh doanh trong nước (sau đây viết chung là tổ chức); hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài (sau đây viết chung là cá nhân) có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ quan Kiểm lâm sở tại bao gồm: Hạt Kiểm lâm cấp huyện; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

2. Gỗ tròn là gỗ còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) không phân biệt kích thước.

3. Gỗ xẻ là gỗ đã cưa, xẻ hoặc đẽo thành hộp, thanh, tấm.

4. Thực vật rừng ngoài gỗ là củi, các loại song, mây, tre, nứa, thực vật rừng thân thảo, bộ phận và dẫn xuất của chúng.

5. Thực vật rừng thông thường là những loài không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và không thuộc Phụ lục CITES.

6. Khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên là hoạt động lấy các cá thể động vật rừng thông thường, trứng, ấu trùng của chúng ra khỏi nơi cư trú tự nhiên.

7. Khai thác tận dụng là việc khai thác những cây gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học; khai thác lâm sản trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

8. Khai thác tận thu là việc tận thu gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ từ những cây gỗ, thực vật rừng bị đổ gãy, bị chết tự nhiên hoặc chết do thiên tai còn nằm trong rừng.

9. Lâm sản chưa chế biến là lâm sản chưa được tác động bởi các loại công cụ, thiết bị, còn giữ nguyên hình dạng, kích thước ban đầu sau khai thác, sau nhập khẩu, sau xử lý tịch thu.

10. Lâm sản đã chế biến là lâm sản được tác động bởi các loại công cụ, thiết bị làm thay đổi hình dạng, kích thước ban đầu, bao gồm cả gỗ lạng, gỗ bóc, dăm gỗ, than hầm, than hoa và sản phẩm của chúng.

11. Vận chuyển nội bộ là vận chuyển giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập hoặc vận chuyển từ doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại.

12. Chủ lâm sản là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu lâm sản hoặc là người đại diện cho chủ lâm sản thực hiện việc quản lý, vận chuyển lâm sản đó.

[...]