Thông tư 27/2001/TT-BVHTT hướng dẫn Nghị định 76/CP, Nghị định 60/CP hướng dẫn thi hành quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự do Bộ Văn hóa-Thông ban hành

Số hiệu 27/2001/TT-BVHTT
Ngày ban hành 10/05/2001
Ngày có hiệu lực 25/05/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Trần Chiến Thắng
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2001/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN SỐ 27/2001/TT-BVHTT NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/CP NGÀY 29/11/1996, NGHỊ ĐỊNH SỐ 60/CP NGÀY 6/6/1997 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá Thông tin.
Căn cứ Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự (dưới đây viết tắt là Nghị định số 76/CP); Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (dưới đây viết tắt là Nghị định số 60/CP)
Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn một số quy định về quyền tác giả như sau:

I. GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Một số thuật ngữ sử dụng trong các quy định về quyền tác giả được hiểu như sau:

1. "Sáng tạo" văn học, nghệ thuật, khoa học là hoạt động tư duy của tác giả trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

2. "Bản gốc" tác phẩm là bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra.

"Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc" được hiểu là những tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định và có tính nguyên gốc.

3. "Tác phẩm gốc" là tác phẩm được sử dụng để sáng tạo ra tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể, tuyển tập, hợp tuyển, chú giải.

4. "Sao chép" tác phẩm là việc thể hiện lại phần trọng yếu hoặc toàn bộ tác phẩm dưới bất kỳ hình thức vật chất nào

5. "Sao chụp" tác phẩm được hiểu là hành vi sao chép y nguyên tác phẩm hoặc một phần tác phẩm bằng cách photocopy, chụp ảnh hay các cách thức tương tự khác;

6. "Bản sao" tác phẩm là bản sao chép hoặc sao chụp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.

7. "Chủ sở hữu tác phẩm" là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu các quyền của tác giả có thể chuyển giao được theo quy định của pháp luật.

8. "Tác phẩm đồng tác giả" là tác phẩm do 2 hoặc nhiều tác giả sáng tạo.

9. "Tác phẩm khuyết danh" là tác phẩm không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.

10. "Tác phẩm không rõ tác giả" là tác phẩm khi được công bố chưa xác định được tác giả.

11. "Tác phẩm di cảo" là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả đã chết

12. "Công bố, phổ biến tác phẩm":

"Công bố, phổ biến tác phẩm" là thể hiện tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bầy, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức vật chất khác.

Xuất bản phẩm gồm các loại hình: sách, tài liệu, tranh, ảnh, áp phích, catalô, tờ rơi, tờ gấp, lịch, bản đồ, át lát, bản nhạc, cờ, truyền đơn, khẩu hiệu, câu đối, cuốn thư, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thay sách hoặc kèm theo sách.

"Tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam" là tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài chưa được công bố, phổ biến ở bất kỳ nước nào trước khi được công bố, phổ biến tại Việt Nam.

Tác phẩm được coi là tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam khi tác phẩm đó được công bố, phổ biến ở Việt Nam trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày tác phẩm đó được công bố, phổ biến lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào.

II. TÁC PHẨM ĐƯỢC BẢO HỘ

1. Các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam:

a. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam;

b. Tác phẩm thuộc sở hữu của công dân, pháp nhân, tổ chức Việt Nam;

c. Tác phẩm của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;

d. Tác phẩm của nước ngoài, pháp nhân nước ngoài lần đâu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam;

[...]