Thông tư 27/1999/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 27/1999/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 03/11/1999
Ngày có hiệu lực 03/11/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Đình Liêu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/1999/TT-BLĐTBXH

Hà Nội , ngày 03 tháng 11 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 

CỦA BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 27/1999/TT-BLĐTBXH NGÀY 3 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ CÔNG NHẬN NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH BỊ THƯƠNG TỪ NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1994 TRỞ VỀ TRƯỚC

Ngày 25 tháng 11 năm 1998 Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an đã ban hành Thông tư Liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh. Điểm 2 Mục II Phần B của Thông tư nêu trên qui định hồ sơ đối với người bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước thuộc lực lượng vũ trang( là quân nhân, công an nhân dân) thì do Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng và Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Công an hướng dẫn cụ thể.

Song hồ sơ đối với người bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không phải là quân nhân, công an nhân dân thì chưa được quy định cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh hoạt động cách mạng mà bị thương gây khó khăn trong khi tổ chức thực hiện ( trừ thanh niên xung phong bị thương trong thời kỳ kháng chiến đã hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/1999/ TTLT - LĐTBXH - TWĐTNCSHCM về thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến).

Để khắc phục vướng mắc trên đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước có vết thương thực thể mà không phải là quân nhân, công an nhân dân và thanh niên xung phong như sau:

I. HỒ SƠ NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH GỒM CÓ:

1. Bản khai cá nhân ( mẫu kèm theo)

Đối với người bị thương không phải là đảng viên hoặc thoát ly công tác thì kê khai thêm quá trình tham gia cách mạng vào bản khai nói trên. Đối với người bị thương là đảng viên hoặc thoát ly công tác hoặc đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì quá trình tham gia cách mạng liên quan đến trường hợp bị thương sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý căn cứ vào lý lịch đảng viên hoặc hồ sơ cán bộ hoặc phiếu cá nhân để xem xét .

2. Giấy xác nhận viết bằng tay của 2 người cùng đơn vị, cơ quan cũ vơí người bị thương. Nội dung xác nhận cần nói rõ quá trình tham gia cách mạng của bản thân, thời gian cùng công tác chung với người bị thương, nơi bị thương, trường hợp bị thương của người bị thương. Giấy xác nhận này được cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi người xác nhận đang công tác hoặc cư trú, căn cứ lý lịch đảng viên, hồ sơ cán bộ hoặc phiếu cá nhân hoặc các giấy tờ pháp lý khác của người xác nhận để chứng nhận về chứ ký và khoảng thời gian, đơn vị công tác của người xác nhận phù hợp với thời gian, đơn vị của người bị thương.

3. Biên bản xác nhận người bị thương của phiên họp tập thể Hội đồng xác nhận xã, phường nơi người bị thương trong khi làm nhiệm vụ tại địa phương (gồm Uỷ ban nhân dân xã, phường chủ trì; đại diện Đảng uỷ; Mặt trận Tổ quốc; Ban Thương binh Xã hội; Hội Cựu chiến binh; Công an; Xã đội; đại diện quần chúng cao tuổi) hoặc của cơ quan, đơn vị nơi có người bị thương (gồm đại diện Đảng uỷ, Công đoàn, Chính quyền, đại diện cán bộ của cơ quan).

Các biên bản xác nhận người bị thương nhất thiết phải niêm yết công khai để nhân dân địa phương hoặc cơ quan, đơn vị được biết. Sau thời gian 15 ngày, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc cơ quan, đơn vị chuyển hồ sơ của người bị thương ( bản khai, giấy xác nhận và biên bản) đến thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xét cấp giấy chứng nhận bị thương.

4. Giấy chứng nhận bị thương do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký (theo mẫu số 6-TB1 của Thông tư Liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ) sau khi đã xem xét bản khai cá nhân, quá trình tham gia cách mạng liên quan đến trườmg hợp bị thương, xác nhận của 2 người làm chứng, biên bản xác nhận người bị thương và các vết thương thực thể của người bị thương.

5. Biên bản giám định thương tật do Hội đồng giám định Y khoa có thẩm quyền cấp (theo mẫu số 6-TB2 của Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998).

II. THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ, GIỚI THIỆU GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ THƯƠNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH:

1. Thủ tục lập hồ sơ thực hiện theo qui định tại điểm 1 Mục III Phần B của Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an.

2. Thủ tục giới thiệu giám định thương tật theo qui định tại các tiết b,c điểm 2 Mục III Phần B của Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA nêu trên.

Riêng đối với người bị thương đã chính thức di chuyển hẳn đơn vị hoặc địa phương nơi bị thương sang địa bàn của tỉnh khác thì thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền sau khi ký giấy chứng nhận bị thương, chuyển hồ sơ thương tật kèm theo giấy giới thiệu đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người bị thương hiện đang cư trú để kiểm tra và giới thiệu giám định thương tật tại Hội đồng giám định Y khoa tỉnh. Sau khi giải quyết quyền lợi, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người bị thương hiện đang cư trú gửi 01 bản trích lục thương tật đến cơ quan giới thiệu đi để đăng ký, quản lý và có cơ sở giải quyết khi có vướng mắc về người bị thương của địa phương hoặc đơn vị mình.

3. Thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương: thực hiện theo qui định tại các điểm 2, 3 Mục IV Phần B của Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổ chức thông báo rộng rãi Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA và một số điểm quy định tại Thông tư này; hướng dẫn, chỉ đạo việc rà soát, thống kê, lập danh sách người bị thương; lập hồ sơ, thủ tục công nhận, giải quyết quyền lợi người hưởng chính sách như thương binh từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1994 (không phải là quân nhân, công an nhân dân) .

Việc công nhận người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Thông tư này kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm 2000.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BẢN KHAI CÁ NHÂN

[...]