Thông tư 234-TTg-1972 về việc giải quyết vấn đề trước mắt về tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 234-TTg
Ngày ban hành 14/08/1972
Ngày có hiệu lực 29/08/1972
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 234-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1972 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ VỐN SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA XÍ NGHIỆP

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiến tranh đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh bình thường của các xí nghiệp, trong đó có một số xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất, một số ngừng sản xuất, một số gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm; do đó trước mắt xí nghiệp không đủ tiền lương và không đủ vốn sản xuất, kinh doanh. Một số khuyết điểm của xí nghiệp về quản lý, nhất là lao động tiền lương cũng gây thêm khó khăn cho xí nghiệp.

Trước tình hình ấy, một mặt phải đề cao trách nhiệm của xí nghiệp và của cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp trong việc quản lý và sử dụng chặt chẽ lao động, tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh, mặt khác phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính, ngân hàng trong việc giải quyết kịp thời những khó khăn của xí nghiệp; cho nên Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ đã quyết định như sau:

1. Vấn đề then chốt là cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp (Bộ, nếu là xí nghiệp trung ương và Sở, Ty, nếu là xí nghiệp địa phương) phải trực tiếp chỉ đạo xí nghiệp lập kế hoạch lao động, quỹ lương và kế hoạch thu chi tài vụ hàng tháng trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch công tác hàng tháng của xí nghiệp.

Kế hoạch lao động phải nhằm sử dụng tốt nhất lực lượng lao động của xí nghiệp, bảo đảm mọi người đều có việc làm có ích, có năng suất lao động nhất định và phải định rõ:

- Số người lao động làm nhiệm vụ tiếp tục sản xuất (phải tính toán dựa vào định mức lao động và năng suất lao động trong điều kiện mới);

- Số người lao động thật cần thiết để làm các công việc thật cần thiết trong nội bộ xí nghiệp như sơ tán, phân tán xí nghiệp, làm hầm hào phòng tránh cho người và bảo vệ thiết bị, máy móc;

- Số người lao động làm nhiệm vụ sửa chữa lớn tài sản cố định, v.v…

- Số lao động đề nghị chuyển đi hoặc nhận thầu làm các nhiệm vụ khác như bảo đảm giao thông vận tải, đắp đê, hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, v.v…

Kế hoạch quỹ lương của xí nghiệp phải căn cứ vào số lao động có mặt trước ngày 30 tháng 06 năm 1972 hoặc trước ngày xí nghiệp bị địch bắn phá, trừ đi số lao động giảm do về hưu, về mất sức, đi học, đi bộ đội, đi ngành khác, v.v… Đối với lao động tuyển mới, phải có chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ duyệt mới được tuyển và quỹ lương chỉ được tính theo số lượng lao động tuyển được hàng tháng.

Cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải xét duyệt kế hoạch hàng tháng của xí nghiệp và phải gửi kế hoạch thu chi tài vụ, kế hoạch lao động quỹ lương hàng tháng của xí nghiệp đã được xét duyệt đến cơ quan Tài chính và cơ quan Ngân hàng để thẩm tra, giải quyết các nhu cầu vốn của xí nghiệp.

2. Về nguồn vốn (hoặc kinh phí) trả lương:

a) Công nhân, viên chức làm công việc gì thì về nguyên tắc là phải dùng nguồn vốn (hoặc kinh phí) của công việc ấy để trả lương. Cụ thể là dùng:

- Nguồn vốn lưu động để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sản xuất;

- Nguồn vốn xây dựng cơ bản (kể cả xây dựng cơ bản đặc biệt thời chiến) để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản;

- Nguồn vốn sửa chữa lớn để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sửa chữa lớn;

- Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp phát để đài thọ các khoản: lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ bảo quản thiết bị, máy móc ngừng sản xuất, lương công nhân, viên chức được tạm thời hưởng chế độ lương ngừng việc, phần chênh lệch giữa lương cấp bậc với công việc cũ cao hơn so với lương cấp bậc công việc mới, trợ cấp công nhân, viên chức được phép tạm thời nghỉ việc;

- v.v…

b) Căn cứ vào chế độ trả lương tạm thời trong thời chiến quy định trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 195-TTg ngày 07 tháng 07 năm 1972, xí nghiệp có trách nhiệm tiếp tục trả lương trong trường hợp công nhân, viên chức được huy động đi làm các công việc trong một thời gian ngắn bên ngoài xí nghiệp (như đắp đê, khắc phục hậu quả của chiến tranh, v.v…) theo lệnh của Bộ hay của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố.

Trường hợp công nhân, viên chức được điều động sang xí nghiệp, cơ quan khác sử dụng và quản lý thì đơn vị mới có trách nhiệm trả lương.

c) Xí nghiệp phải phấn đấu với mức cố gắng cao nhất để hoàn thành các kế hoạch hàng tháng xem đó là biện pháp cơ bản để xí nghiệp có đủ tiền trả lương.

Cơ quan tài chính phải giải quyết kịp thời các nhu cầu tiền lương (hoặc trợ cấp) thuộc phạm vi ngân sách đài thọ.

Cơ quan ngân hàng phải kiểm soát việc chi tiêu quỹ lương sản xuất, xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, v.v… theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hoặc khối lượng công việc có tính đến các yếu tố biến động do chiến tranh gây ra.

d) Xí nghiệp chỉ được dùng vốn lưu động để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sản xuất trong phạm vi quỹ lương sản xuất được duyệt. Xí nghiệp không được lấy vốn lưu động để chi các khoản lương khác.

Trường hợp xí nghiệp không có tiền hoặc thiếu tiền trả lương, Ngân hàng tạm thời cho xí nghiệp vay một kỳ hoặc hai kỳ lương. Sau đó xí nghiệp phải làm mọi việc cần thiết thuộc trách nhiệm của mình (như chuyển hướng sản xuất, điều chỉnh và sử dụng hợp lý lực lượng lao động, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, v.v…) để trả nợ ngân hàng; nếu xét không thể tự giải quyết được, xí nghiệp phải phân tích cụ thể nguyên nhân, báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp giải quyết.

3. Về vốn dự trữ vật tư, hàng hoá vượt định mức ở xí nghiệp.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ