Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung quản lý công trình lâm sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 23/2016/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 30/06/2016
Ngày có hiệu lực 01/01/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 23/2016/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH LÂM SINH

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm sinh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm sinh gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán công trình lâm sinh; nghiệm thu công trình lâm sinh; xử lý rủi ro do thiên tai đối với công trình lâm sinh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư liên quan đến việc triển khai công trình lâm sinh trong các dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư công, gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.

2. Khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác áp dụng các quy định, hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Công trình lâm sinh là công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn, được tạo thành từ việc triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư lâm sinh theo thiết kế, dự toán, gồm: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp; cải tạo rừng và các hoạt động liên quan khác.

2. Nghiệm thu hàng năm là hoạt động kiểm tra, đánh giá, xác nhận khối lượng, chất lượng công trình lâm sinh hoàn thành hàng năm, làm cơ sở cho việc tạm ứng, thanh toán và quyết toán giá trị công trình lâm sinh, có thể được tiến hành nhiều hơn 01 lần trong năm, tùy theo tính chất công việc cụ thể.

Chương II

LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ, DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH LÂM SINH

Điều 4. Thiết kế, dự toán công trình lâm sinh

1. Sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư lập thiết kế, dự toán công trình lâm sinh. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, việc lập thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được thực hiện đồng thời với việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

2. Chủ đầu tư lập thiết kế, dự toán công trình lâm sinh khi có đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán công trình lâm sinh.

3. Thành phần hồ sơ thiết kế, dự toán công trình lâm sinh.

[...]