Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 22-TT/LB-1975 hướng dẫn vấn đề về lao động đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi do Bộ Lao động- Tổng Cục Lâm nghiệp-Uỷ ban nông nghiệp Trung ương ban hành

Số hiệu 22-TT/LB
Ngày ban hành 24/06/1975
Ngày có hiệu lực 09/07/1975
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Tổng cục Lâm nghiệp,Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương
Người ký Lê Chân Phương,Nguyễn Đình Ngữ,Trần Quốc Mạnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP-UỶ BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 1975

 

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - UỶ BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG - TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP SỐ 22-TT/LB NGÀY 24 THÁNG 6 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ MỞ RỘNG DIỆN TÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP Ở TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI

Thi hành Quyết định số 129-CP ngày 25 tháng 5 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ quy định về chính sách đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi; Bộ Lao động, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương và Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn cụ thể một số vấn đề về lao động như sau.

I- VẤN ĐỀ XÂY DỰNG QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH LAO ĐỘNG

Trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, việc tổ chức đưa dân từ đồng bằng lên mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tổ chức lại lao động xã hội, phân bổ và điều phối hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng nhằm phát huy tốt nhất mọi khả năng lao động cho xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng.

1- Dựa vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất của từng địa phương, từng vùng và yêu cầu tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông, lâm nghiệp từ cơ sở và việc xây dựng cấp huyện theo chỉ thị số 208 của Ban bí thư Trung ương Đảng ngày 16 tháng 9 năm 1974, cơ quan lao động các địa phương cần giúp Uỷ ban hành chính xây dựng quy hoạch, kế hoạch toàn diện về lao động gắn với nhiệm vụ phát triển sản xuất, thực hiện một bước công tác kế hoạch hoá sức lao động để chủ động giảm dân số và lao động ở các vùng đông dân thuộc đồng bằng; tăng dân số và lao động ở các vùng ít dân, ít lao động ở trung du, miền núi. Trong việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch lao động phục vụ mở rộng vùng kinh tế mới, cần chú ý một số vấn đề sau đây:

- Xác định được phương hướng, nhiệm vụ và mức độ lao động phải chuyển bớt đi (ở tỉnh đồng bằng), hoặc lao động cần nhận thêm đến (ở tỉnh trung du, miền núi, từ nay cho đến năm 1980 và kế hoạch cụ thể cho từng năm... Việc này phải dựa vào ước tính tăng dân số, tăng lao động để xác định được đúng đắn khả năng lao động tại chỗ và lập kế hoạch cân đối lao động một cách toàn diện.

- Bảo đảm cân đối hợp lý số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động đưa đi xây dựng các vùng kinh tế mới, đồng thời bảo đảm nhu cầu lao động để thâm canh, tăng năng suất, phát động trai trẻ, cần điều động phục vụ kế hoạch kinh tế và quốc phòng của Nhà nước.

2- Về địa bàn đưa dân đi, nhận dân đến.

a) Đối với nơi cần chuyển bớt lao động đi.

Hiện nay, ở vùng đồng bằng (kể cả đồng bằng khu 4 cũ, và đồng bằng các tỉnh trung du) có những vùng mức bình quân diện tích theo đầu người thấp dưới 3 sào (Bắc bộ). Các hợp tác xã trong vùng này thuộc diện phải chuyển bớt lao động, dân số đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Việc chuyển bớt dân đi phải tiến hành có trọng điểm, tập trung vào từng vùng, từng huyện, xã, hợp tác xã, có nơi đi trước, nơi đi sau, không nên đi phân tán lẻ tẻ, cũng không nên đưa đi ào ạt. Những nơi cần đưa bớt dân và lao động đi, trước hết là nơi ruộng đất ít, người đông, sản xuất độc canh, ngành nghề không có điều kiện phát triển. Cụ thể như sau:

- Mức bình quân diện tích canh tác theo đầu người thấp so với mức bình quân chung trong tỉnh, điều kiện thiên nhiên khó khăn, sản xuất kém, ngành nghề không phát triển được; nơi cần mở rộng các công trình xây dựng cơ bản hoặc phải giải phóng lòng sông v.v...;

- Nơi đã tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, đầu tư thêm cơ giới, do đó lao động dôi ra;

- Những nơi bình quân diện tích canh tác theo đầu người có thấp so với mức bình quân chung trong tỉnh, nhưng sản xuất có nhiều khó khăn (do điều kiện thiên nhiên, do trình độ sản xuất còn thấp) đang tiến hành những biện pháp cải thiện điều kiện sản xuất: Cải tạo đất, xây dựng thuỷ lợi, v. v... nếu chưa có điều kiện đưa đủ số lao động đi ngay thì nên tổ chức đưa đi dần từng bước;

Những nơi bình quân diện tích canh tác theo đầu người thấp, nhưng có nhiều nghề thủ công thì cần xem xét cụ thể, nếu các nghề đó cần thiết cho nhu cầu của kế hoạch Nhà nước, có điều kiện ổn định lâu dài thì tính số lao động đó vào kế hoạch cân đối ở địa phương; nếu là nghề không ổn định, chuyển lao động lên miền núi sẽ phát triển tốt hơn thì cần tính vào cân đối lao động cần chuyển đi;

- Ở các thành phố, thị xã, thị trấn còn khá đông số người có khả năng lao động chưa làm việc, cần vận động tổ chức đưa những gia định có đông lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo tinh thần Quyết định số 201-CP ngày 30 tháng 8 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 12-TT/LB ngày 24 tháng 3 năm 1975 của liên bộ Lao động - Công an. Người số lao động phổ thông có thể vận động đưa đi cả lao động làm các ngành nghề như nghề thủ công sử dụng nguyên liệu song, mây, tre, nứa... nghề xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng (mộc, nề, gạch, ngói, vôi), chế biến nông, lâm sản, nghề phục vụ (may, cắt tóc...) sửa chữa công cụ (rèn cơ khí), sửa chữa xe đạp, v.v...

Những nơi đã chuyển đi xây dựng vùng kinh tế mới, Uỷ ban hành chính địa phương cần có kế hoạch tổ chức lại khu dân cư để tận dụng đất đai cho sản xuất.

b) Đối với nơi tiếp nhận dân đến:

Trung du và miền núi là nơi tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới phải chú trọng những vấn đề sau đây:

Trước hết cần xác định rõ được phương hướng, nhiệm vụ và quy hoạch xây dựng vùng kinh tế mới trong tỉnh đã được cấp trên xét duyệt. Đi đôi với quy hoạch kinh tế, phải lập quy hoạch lao động một cách toàn diện và kế hoạch xin điều động thêm lao động hàng năm, từng quý. Kế hoạch đó cần cụ thể về nhu cầu lao động, cần bổ sung về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động (lao động có nghề, lao động kỹ thuật, lao động phổ thông, lao động trực tiếp sản xuất, lao động phục vụ sản xuất; tỷ lệ nam, nữ, v.v...). Đồng thời phải chuẩn bị tốt sản xuất, điều kiện sinh hoạt và phúc lợi, đảm bảo đời sống người lao động (nơi ăn, ở, chữa bệnh, giữ trẻ, nơi học cho trẻ em, v.v...) ngay trước khi đón dân lên.

Trên cơ sở quy hoạch đất đai và lao động tính số nhân khẩu mà xây dựng quy hoạch khu dân cư, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của vùng kinh tế mới.

3- Về quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh ở đồng bằng và tỉnh ở trung du, miền núi trong việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Mối quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh ở đồng bằng và tỉnh ở trung du, miền núi phải thể hiện trong việc phân công trách nhiệm giữa hai bên, đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách và kế hoạch đưa dân đi và tiếp nhận dân đến xây dựng vùng kinh tế mới. Giữa hai tỉnh cần có kế hoạch phân công cụ thể để cùng nhau phụ trách từ khi bắt đầu đến khi hoàn chỉnh nhiệm vụ này, bao gồm: Việc chuẩn bị tổ chức đưa dân đi, đón dân đến, bố trí sắp xếp cán bộ các ngành, thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất và thi hành các chế độ chính sách đối với vùng kinh tế mới.

Các tỉnh kết nghĩa cần thành lập một bộ phận phụ trách các công việc chỉ đạo xây dựng vùng kinh tế mới.

Trước khi đưa dân đi hai bên phải cùng nhau tiến hành kiểm tra xem xét lại địa bàn về mọi mặt: chuẩn bị sản xuất, tổ chức đời sống... Nếu thấy chuẩn bị chưa tốt thì chưa nên đưa dân đi. Chú ý hoàn thành sớm và tốt việc chuẩn bị để có thể đưa lao động đến cho khớp với thời vụ sản xuất ở vùng kinh tế mới.

II- VỀ ĐỐI TƯỢNG, CƠ CẤU LAO ĐỘNG ĐƯA ĐI VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG HỖ TRỢ ĐỐI VỚI VÙNG KINH TẾ MỚI

1- Về đối tượng và cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Việc đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới là đi cả gia đình; chú ý những gia đình có nhiều lao động; cũng có thể tách một bộ phận lao động trong gia đình để lập ra một gia đình riêng đi xây dựng vùng kinh tế mới.

[...]