Nghị định 172-CP năm 1973 về Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 172-CP
Ngày ban hành 01/11/1973
Ngày có hiệu lực 16/11/1973
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******


VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số : 172-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1973

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VÀ BẢN QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ KINH TẾ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960;
Căn cứ vào Nghị quyết của hội nghị toàn thể của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 23 tháng 04 năm 1973;
Để cải tiến một tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý kinh tế;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ cũng có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng theo đúng các quy định của bản Điều lệ và bản Quy định này trừ quyền biểu quyết của thành viên Hội đồng Chính phủ trong hội nghị Hội đồng Chính phủ.

Điều 2.Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm:

- Tổ chức thi hành bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình;

- Xây dựng bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình;

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị Hội đồng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành những luật pháp, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý mới thuộc phạm vi ngành mình cho phù hợp với những nguyên tắc của bản Điều lệ và bản Quy định này.

Điều 3.Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành bản nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

ĐIỀU LỆ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 172-CP ngày 01-11-1973 của Hội đồng Chính phủ )

MỞ ĐẦU

Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta làm nhịêm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, là Nhà nước của chế độ mới, chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động trên cơ sở nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng của nó, Đảng Lao động Việt Nam.

Tổ chức và hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta vừa thể hiện sự lãnh đạo của Đảng, vừa thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Sự lãnh đạo của Đảng ta là tiêu biểu cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân, cho ý chí và quyền lợi trước mắt và lâu dài của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động. Sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế được thực hiện chủ yếu là thông qua tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hội đồng Chính phủ quản lý mọi mặt của đời sống xã hội theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước; tổ chức thực hiện mọi nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Nhà nước ta là tổ chức cao nhất, tập trung nhất của quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Cho nên, trong mọi hoạt động của mình, các thành viên Hội đồng Chính phủ và tất cả các cán bộ, nhân viên các cơ quan Nhà nước phải là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, luôn luôn tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và nghiên cứu ý kiến nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; không ngừng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiên quyết chống chủ nghĩa quan liêu.

Hội đồng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam để phát huy vai trò làm chủ tập thể sức mạnh và vô tận của quần chúng.

Hội đồng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước phải động viên được toàn bộ lực lượng tinh thần và vật chất của nhân dân, phát huy lòng hăng hái, trí thông minh, tài năng sáng tạo của nhân dân trong một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, lôi cuốn hàng triệu người lao động sôi nổi tham gia quản lý Nhà nước, xây dựng và quản lý nền kinh tế quốc dân.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta vừa là tổ chức nắm quyền lực chính trị, vừa là tổ chức nắm quyền lực kinh tế, nó vừa tiến hành sự quản lý hành chính Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội, vừa trực tiếp tổ chức và quản lý kinh tế quốc dân. Hai mặt đó gắn bó chặt chẽ với nhau và đều thể hiện trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ cũng như các cơ quan Nhà nước khác.

Theo nguyên tắc cơ bản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tập trung dân chủ, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ phải kết hợp đúng đắn việc tăng cường sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Chính phủ về các vấn đề cơ bản của việc quản lý Nhà nước, của quá trình tái sản xuất xã hội với việc tăng cường trách nhiệm và quyền hạn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở. Đồng thời, phải tăng cường quyền lực quản lý của Nhà nước trên cơ sở phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân, kết hợp chặt chẽ với công tác quản lý của Nhà nước với phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân.

Trong việc tổ chức và quản lý nền kinh tế quốc dân, phải kết hợp nguyên tắc ngành với nguyên tắc lãnh thổ. Nó thể hiện trong việc kết hợp sự quản lý của các Bộ theo ngành kinh tế kỹ thuật trong phạm vi cả nước với sự quản lý của các Ủy ban hành chính theo cấp trong từng khu vực hành chính. Việc quản lý theo ngành khi nào cũng phải kết hợp với quản lý theo cấp. Một mặt cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trung ương thống nhất quản lý kinh tế kỹ thuật đối với toàn ngành trong cả nước ở những mức độ khác nhau, tùy theo tính chất và tùy theo trình độ kỹ thuật và tổ chức sản xuất của từng ngành. Mặt khác, chính quyền địa phương tiến hành sự quản lý Nhà nước trong phạm vi lãnh thổ với mọi hoạt động của Nhà nước và các mặt đời sống xã hội ở địa phương.

Toàn bộ tổ chức và hoạt động của Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải hướng về các đơn vị kinh tế cơ sở và các đơn vị văn hóa, xã hội. Các đơn vị kinh tế cơ sở: xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, là những tế bào của nền kinh tế quốc dân, là nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất của xã hội, trực tiếp diễn ra hàng ngày ba cuộc cách mạng và trực tiếp thể hiện hàng ngày vai trò làm chủ tập thể của quần chúng lao động. Hoạt động của các cơ quan của Hội đồng Chính phủ cuối cùng phải thể hiện ra tại cơ sở, có tác dụng chỉ đạo và hướng dẫn thiết thực cơ sở, giúp đỡ và phục vụ đắc lực cơ sở tiến hành sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.

[...]