Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 22/2017/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 10/08/2017
Ngày có hiệu lực 25/09/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 113/2015/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH PHỤ CẤP ĐẶC THÙ, PHỤ CẤP ƯU ĐÃI, PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC VÀ PHỤ CẤP NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 113/2015/NĐ-CP).

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP bao gồm:

1. Nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.

2. Nhà giáo chuyên trách, nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật.

3. Nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

4. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật” là nhà giáo có toàn bộ thời gian trong năm học giảng dạy cho người khuyết tật.

2. “Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật” là nhà giáo chỉ có một phần thời gian trong năm học giảng dạy cho người khuyết tật.

Điều 3. Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù

Việc tính, hưởng phụ cấp đặc thù hằng tháng đối với nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.

Ví dụ 1: Nhà giáo A là Trưởng khoa, giảng dạy tích hợp trong trường cao đẳng; hệ số lương hiện hưởng 4,98; hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,45; mức phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng 5%; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 450 giờ; số giờ dạy tích hợp thực tế trong tháng là 20 giờ. Tiền phụ cấp đặc thù mà nhà giáo A được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = [(4,98 + 0,45 + 5% x 4,98) x 1.300.000 đồng] / (450 giờ/12 tháng) x 20 giờ x 10% = 393.744 đồng.

Ví dụ 2: Nhà giáo B là nhà giáo dạy thực hành trong trường cao đẳng; có chứng nhận bậc thợ 6/7; hệ số lương hiện hưởng 3,66; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 400 giờ; số giờ dạy thực hành thực tế trong tháng là 35 giờ. Tiền phụ cấp đặc thù mà nhà giáo B được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = (3,66 x 1.300.000 đồng) / (400 giờ /12 tháng) x 35 giờ x 10% = 499.590 đồng.

Điều 4. Cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật

Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

1. Cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm công việc giảng dạy người khuyết tật hằng tháng

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở.

[...]