Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 20/TT-BLĐTBXH năm 1994 giải thích, hướng dẫn điều chỉnh các đối tượng hưởng chính sách thương binh - liệt sỹ do Bộ Lao dộng Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 20/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 10/06/1994
Ngày có hiệu lực 25/06/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trịnh Tố Tâm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 20/TT-LĐTBXH NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 1994 GIẢI THÍCH, HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH TRỢ CẤP CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Thi hành Nghị định số 27/CP và 05/CP của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương hưu, mức trợ cấp đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính đã có các Thông tư số 13/LB-TT ngày 02/6/1993 và số 06/LB-TT ngày 04/02/1994 hướng dẫn thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương, cơ sở phản ánh một số vướng mắc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích, hướng dẫn thêm việc thực hiện như sau:

1- Đối với thương binh, bệnh binh được xác nhận trước ngày 01/12/1993:

a) Thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp theo mức ấn định:

Thương binh khi bị thương và bệnh binh khi xuất ngũ là hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc diện hưởng sinh hoạt phí và người hưởng chính sách như thương binh khi bị thương không có lương (dân quân, du kích, công dân) đều điều chỉnh trợ cấp hàng tháng thống nhất theo mức quy định tại tiết a, điểm 1, phần II - Thông tư số 06/LB-TT.

b) Thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp theo lương:

Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh khi bị thương và bệnh binh khi xuất ngũ là người hưởng lương, được điều chỉnh trợ cấp hàng tháng bằng cách lấy mức trợ cấp đang hưởng tháng 11/1993 cộng thêm mức ấn định theo hạng thương tật, bệnh tật quy định tại tiết b, điểm 1, phần II - Thông tư 06/LB-TT để hưởng trợ cấp tháng 12/1993.

Ví dụ: Một thương binh loại A hạng 1 có thương tật đặc biệt nặng đang an dưỡng tại gia đình. Khi bị thương là thiếu uý đại đội phó, có 10 năm phục vụ quân đội.

- Trợ cấp đang hưởng tháng 11/1993 gồm:

+ Trợ cấp thương tật theo Quyết định số 203 : 33.478 đ

+ Trợ cấp trượt giá 1,25 lần : 42.185 đ

+ Trợ cấp ăn thêm 40 kg gạo : 80.000 đ

+ Tiền bù điện (theo trợ cấp 203) : 18.405 đ

+ Phụ cấp tiền nhà (theo nhóm lương khi bị thương) : 20.000 đ

+ Phụ cấp tiền học 15% (theo trợ cấp 203) : 5.062 đ

+ Trợ cấp thêm cho thương binh hạng 1 có

thương tật đặc biệt : 40.000 đ

+ Trợ cấp điều chỉnh theo NĐ 27/CP (tháng 4/1993) : 40.000 đ

Cộng : 279.400 đ

- Mức điều chỉnh theo Nghị định 05/CP từ tháng 12/1993:

279.400 đ + 66.000 = 345.400 đ

- Mức trợ cấp của thương binh, bệnh binh hưởng theo tiền lương thấp nhất cũng bằng mức trợ cấp đối với thương binh, bệnh binh hưởng theo mức ấn định có cùng hạng thương tật, bệnh tật.

2- Thương binh, bệnh binh được xác nhận từ 01/12/1993 trở về sau:

a) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh không phân biệt thuộc diện hưởng sinh hoạt phí, không có lương hoặc có lương khi bị thương hoặc khi xuất ngũ, đều hưởng trợ cấp theo mức ấn định thống nhất quy định tại tiết a, điểm 1, phần II - Thông tư 06/LB-TT.

b) Riêng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh thuộc diện hưởng lương khi bị thương hoặc khi xuất ngũ, ngoài khoản trợ cấp theo mức ấn định. Nếu thuộc diện sau đây, được hưởng khoản trợ cấp lần đầu:

+ Người giám định y khoa lần đầu được xếp hạng thương tật, hạng bệnh binh.

[...]