Thông tư 2-TT/LB 1997 Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 43/CP năm 1996 do Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ xây dựng, Bộ thương mại ban hành

Số hiệu 2-TT/LB
Ngày ban hành 25/02/1997
Ngày có hiệu lực 12/03/1997
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Thương mại,Bộ Xây dựng
Người ký Lê Văn Triết,Ngô Xuân Lộc,Trần Xuân Giá
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Xây dựng - Đô thị

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2-TT/LB

Hà Nội , ngày 25 tháng 2 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

SỐ 2-TT/LB CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ XÂY DỰNG - BỘ THƯƠNG MẠI NGÀY 25 THÁNG 2 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ ĐẤU THẦU
(Ban hành kèm theo Nghị định 43/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ)

Quy chế đấu thầu được ban hành kèm theo Nghị định 43/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ với mục đích bảo đảm tính khách quan, công bằng và thống nhất các hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc về các lĩnh vực: tuyển chọn tư vấn, mua sắm vật tư thiết bị và xây lắp thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện Điều 3 của Nghị định 43/CP và Điều 46 của Quy chế đấu thầu, Liên bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Xây dựng - Bộ Thương mại hướng dẫn chung một số nội dung chủ yếu của Quy chế đấu thầu để các Bộ ngành, địa phương và cơ sở thống nhất thực hiện.

Phần thứ nhất:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng Quy chế đấu thầu bao gồm những đối tượng được quy định tại điều 2 của Quy chế đấu thầu, nay hướng dẫn cụ thể như sau:

a. Các dự án đầu tư được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP là những dự án do Nhà nước cân đối vốn đầu tư, những dự án thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, những dự án do Nhà nước bảo lãnh vốn và những dự án sử dụng các nguồn vốn ODA theo Nghị định 20/CP ngày 15/3/1994 của Chính phủ.

b. Các dự án đầu tư liên doanh của doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam có mức góp vốn pháp định từ 30% trở lên là những dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư theo các quy định hiện hành.

c. Đấu thầu để lựa chọn đối tác dự án liên doanh và hợp tác kinh doanh, dự án 100% vốn nước ngoài, dự án thực hiện theo phương thức BOT hoặc BT được áp dụng theo các quy định riêng.

d. Ngoài những dự án nói trên tuy không bắt buộc nhưng khuyến khích áp dụng Quy chế đấu thầu.

2. Hình thức lựa chọn nhà thầu.

a. Đấu thầu rộng rãi: Hình thức đấu thầu này được khuyến khích áp dụng nhằm đạt tính cạnh tranh cao trên cơ sở tham gia của nhiều nhà thầu. Tuy nhiên, hình thức này được áp dụng tuỳ theo từng dự án cụ thể trong phạm vi một địa phương, một vùng, liên vùng, toàn quốc hoặc quốc tế.

b. Đấu thầu hạn chế: Hình thức đấu thầu này được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng tối thiểu phải có 3 nhà thầu có khả năng tham gia.

- Các nguồn vốn sử dụng có yêu cầu tiến hành đấu thầu hạn chế.

- Do yêu cầu về tiến độ thực hiện dự án được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận.

c. Chỉ định thầu: Hình thức chỉ định thầu được áp dụng theo Điều 30 của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ.

3. Sơ tuyển nhà thầu

a. Việc sơ tuyển nhà thầu được áp dụng đối với các gói thầu xây lắp có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên; các gói thầu vật tư thiết bị có giá trị trên 200 tỷ đồng hoặc có công nghệ phức tạp. Những gói thầu có giá trị dưới mức quy định trên, bên mời thầu có thể tiến hành sơ tuyển nhà thầu, nếu cần thiết. Nội dung các bước sơ tuyển nhà thầu thực hiện theo Điều 26 và phần A (Phụ lục III) của Quy chế đấu thầu.

Đối với các gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu quốc tế, các nhà thầu nước ngoài phải có văn bản cam kết liên doanh ít nhất với một nhà thầu Việt Nam.

Hồ sơ sơ tuyển nhà thầu do bên mời thầu lập hoặc thuê các cơ quan chuyên môn am hiểu về đấu thầu và lĩnh vực chuyên môn của gói thầu hoặc tổ chức tư vấn có giấy phép kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề lập. Bên mời thầu có trách nhiệm trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cấp được uỷ quyền phê duyệt hồ sơ sơ tuyển trước khi thông báo mời sơ tuyển.

b. Đối với các gói thầu dưới các mức quy định trên tuy không thực hiện sơ tuyển, nhưng trong hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà thầu nộp đủ các tài liệu quy định tại Điều 6, Mục 2 của Quy chế đấu thầu về điều kiện dự thầu, và kê khai năng lực kinh nghiệm theo các mẫu biểu số 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8, 9 (nếu có) trong phụ lục III (Phần A) kèm theo Quy chế đấu thầu để có căn cứ xem xét về mặt hành chính, pháp lý và khả năng thực hiện hợp đồng của nhà thầu trước khi đánh giá và xếp hạng các hồ sơ dự thầu. Riêng mẫu biểu số 3 được hiệu chỉnh lại theo mục VII, khoản 2.4, điểm (d) của Thông tư này để phù hợp với chế độ kế toán hiện hành.

4. Ưu đãi nhà thầu trong nước

Nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam nếu trúng thầu sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo các quy định riêng của Nhà nước.

5. Giá xét thầu

Đối với đấu thầu xây lắp, bên mời mua thầu phải sử dụng giá xét thầu để làm căn cứ đánh giá hồ sơ dự thầu. Giá xét thầu này phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cấp được uỷ quyền quyết định sau thời điểm hết hạn nộp thầu và trước thời điểm mở thầu. Đối với đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị hoặc tuyển chọn tư vấn, bên mời thầu có thể sử dụng giá xét thầu tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng dự án.

[...]