Thông tư 199/2015/TT-BTC Hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu; lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con từ 07 chỗ ngồi trở xuống do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 199/2015/TT-BTC
Ngày ban hành 09/12/2015
Ngày có hiệu lực 25/01/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THU PHÍ THỬ NGHIỆM KHÍ THẢI ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI; PHÍ THỬ NGHIỆM MỨC TIÊU THỤ NHIÊN LIỆU; LỆ PHÍ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI XE Ô TÔ CON TỪ 07 CHỖ NGỒI TRỞ XUỐNG

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu; lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con từ 07 chỗ ngồi trở xuống, như sau:

Điều 1. Đối tượng nộp phí, lệ phí

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2005 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, khi kiểm tra thử nghiệm khí thải theo quy định phải nộp phí thử nghiệm khí thải cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đối với xe ô tô con từ 07 chỗ ngồi trở xuống khi thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu thì phải nộp phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu; khi đăng ký cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng thì phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định tại Thông tư này.

3. Các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi của Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Phép thử là một quá trình thử nghiệm khí thải hoặc đo tiêu thụ nhiên liệu trực tiếp được thực hiện trong phòng thử nghiệm theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia về khí thải để đánh giá mức thải vào môi trường từ xe cơ giới của một hoặc một số chất ô nhiễm tùy theo mục đích kiểm tra khí thải cụ thể. Trong phạm vi Thông tư này có các phép thử như sau:

a) Phép thử loại 1: Phép thử để kiểm tra khối lượng trung bình của khí thải ở đuôi ống xả sau khi khởi động động cơ ở trạng thái nguội;

b) Phép thử loại 2: Phép thử để kiểm tra nồng độ hoặc khối lượng trung bình của các chất khí CO và/hoặc HC ở chế độ tốc độ không tải của động cơ;

c) Phép thử loại 3: Phép thử để kiểm tra khí thải từ cacte động cơ;

d) Phép thử loại 4: Phép thử kiểm tra bay hơi nhiên liệu;

e) Phép thử theo chu trình 13 chế độ: Chu trình thử gồm 13 chế độ làm việc ổn định của động cơ;

f) Phép thử theo chu trình 16 chế độ (ESC): Chu trình thử gồm 16 chế độ làm việc ổn định của động cơ, trong đó có 3 chế độ thử cuối do cơ sở thử nghiệm chọn;

g) Phép thử đáp ứng tải (ELR): Chu trình thử gồm một chuỗi các bước thử có tải ở các tốc độ không đổi của động cơ;

h) Phép thử chu trình chuyển tiếp (ETC): Chu trình thử gồm 1.800 chế độ làm việc của động cơ được thực hiện chuyển tiếp rất nhanh từng giây một.

i) Phép thử độ khói: Phép thử kiểm tra độ khói của động cơ khi thử riêng động cơ hoặc khi thử động cơ lắp trên ô tô ở chế độ toàn tải hoặc chế độ gia tốc tự do.

n) Phương pháp tính toán cân bằng cacbon từ kết quả đo khí thải được quy định tại Mục 5.3 TCVN 9854:2013 hoặc Mục B.1.4.2 Phụ lục B TCVN 7792:2007.

m) Phương pháp đo tiêu thụ nhiên liệu trực tiếp quy định tại Mục 5.1.TCVN 9854:2013.

2. Cacte động cơ là các khoang trong hoặc ngoài động cơ được thông với bình hứng dầu bôi trơn bằng các ống dẫn bên trong hoặc ngoài động cơ, các loại khí và hơi trong cacte có thể thoát ra ngoài qua các ống dẫn đó.

3. Khối lượng toàn bộ còn được gọi là khối lượng toàn bộ lớn nhất, là khối lượng lớn nhất cho phép của xe về mặt kỹ thuật do cơ sở sản xuất quy định.

4. Xe máy là phương tiện chạy bằng động cơ có hai, ba hoặc bốn bánh, vận tốc thiết kế lớn nhất không vượt quá 50 km/h và nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc của xi lanh không lớn hơn 50 cm3;

[...]