Thông tư 19/2019/TT-BCT quy định về áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 19/2019/TT-BCT
Ngày ban hành 30/09/2019
Ngày có hiệu lực 14/11/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2019/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐẶC BIỆT ĐỂ THỰC THI HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn kiện có liên quan;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương bao gồm:

1. Biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp.

2. Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có thẩm quyền điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định.

2. Thương nhân Việt Nam, thương nhân của nước thành viên của Hiệp định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan đến điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo quy định tại Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

2. Nước thành viên là bất kỳ Nhà nước hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào thực thi Hiệp định.

3. Hàng hóa tương tự là hàng hóa có tất cả các đặc tính giống với hàng hóa bị điều tra. Trong trường hợp không có hàng hóa nào như vậy thì hàng hóa tương tự là hàng hóa có nhiều đặc tính cơ bản giống với hàng hóa bị điều tra.

4. Hàng hóa cạnh tranh trực tiếp là hàng hóa có khả năng được người mua chấp nhận thay thế cho hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp tự vệ do ưu thế về giá và mục đích sử dụng.

5. Giai đoạn chuyển tiếp đối với một hàng hóa cụ thể là 03 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Trong trường hợp lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào Việt Nam của hàng hóa đó diễn ra trong thời gian dài hơn, giai đoạn chuyển tiếp sẽ là thời gian xóa bỏ thuế của hàng hóa đó.

6. Biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp (sau đây gọi là biện pháp tự vệ chuyển tiếp) là biện pháp được quy định tại Điều 99 Luật Quản lý ngoại thương và quy định tại Điều 6.3 Chương 6 của Hiệp định.

7. Giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may là thời gian bắt đầu từ khi Hiệp định có hiệu lực cho đến hết 05 năm sau ngày Việt Nam xóa bỏ thuế cho hàng dệt may của Nước thành viên xuất khẩu theo Hiệp định.

8. Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may là biện pháp được quy định tại Điều 99 Luật Quản lý ngoại thương và quy định tại Điều 4.3 Chương 4 của Hiệp định.

[...]