Thông tư 19/2018/TT-BYT về danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 19/2018/TT-BYT
Ngày ban hành 30/08/2018
Ngày có hiệu lực 15/10/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Viết Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC THUỐC THIẾT YẾU

Căn cứ Luật dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Dược;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Ban hành danh mục thuốc thiết yếu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc xây dựng, tiêu chí lựa chọn thuốc thiết yếu bao gồm thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; danh mục thuốc thiết yếu; sử dụng danh mục thuốc thiết yếu và trách nhiệm thực hiện.

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng và tiêu chí lựa chọn thuốc vào danh mục thuốc thiết yếu

1. Nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc thiết yếu:

a) Căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn thuốc quy định tại Khoản 2 Điều này, các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các quy trình chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; kế thừa danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam lần thứ VI và tham khảo danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới;

b) Phù hợp với chính sách, pháp luật về thuốc, thực tế sử dụng và khả năng bảo đảm cung ứng thuốc của Việt Nam;

c) Quy định về cách ghi tên thuốc trong Danh mục thuốc thiết yếu:

- Không ghi tên riêng của thuốc;

- Thuốc hóa dược, sinh phẩm: được ghi theo tên chung quốc tế của hoạt chất hoặc hỗn hợp hoạt chất trong công thức thuốc;

- Vắc xin được ghi theo loại vắc xin hoặc tên thành phần của vắc xin (ví dụ: vắc xin phòng bệnh viêm gan B);

- Vị thuốc cổ truyền được ghi theo tên của dược liệu gồm tên tiếng Việt thường gọi và tên khoa học. Tên tiếng Việt của dược liệu có thể được gọi bằng tên khác nhưng phải có cùng tên khoa học;

- Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (trừ vị thuốc cổ truyền): được ghi theo tên tiếng Việt của từng thành phần dược liệu hoặc vị thuốc có trong cùng công thức thuốc. Trường hợp tên dược liệu, vị thuốc bằng tiếng Việt có các cách gọi khác nhau thì căn cứ vào tên khoa học của dược liệu.

2. Tiêu chí lựa chọn thuốc vào danh mục Thuốc thiết yếu:

Thuốc được xem xét lựa chọn vào danh mục thuốc thiết yếu khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tiêu chí chung:

- Bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người sử dụng;

- Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đa số nhân dân.

b) Tiêu chí cụ thể:

- Thuốc hóa dược, sinh phẩm: ưu tiên lựa chọn các thuốc đơn thành phần, nếu là đa thành phần phải chứng minh được sự kết hợp đó có lợi hơn khi dùng từng thành phần riêng rẽ về tác dụng và độ an toàn;

- Vắc xin: ưu tiên lựa chọn vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng; vắc xin mà Việt Nam đã sản xuất được và đã được cấp giấy phép lưu hành; vắc xin dùng cho các dịch lớn; vắc xin dùng để phòng các bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng;

- Thuốc cổ truyền (trừ vị thuốc cổ truyền), ưu tiên lựa chọn: thuốc được sản xuất tại Việt Nam; Các chế phẩm thuộc đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương đã được nghiệm thu và cấp giấy đăng ký lưu hành; Các chế phẩm có xuất xứ từ danh mục bài thuốc cổ truyền đã được Bộ Y tế công nhận;

- Vị thuốc cổ truyền ưu tiên lựa chọn: những vị thuốc chế biến từ dược liệu có trong Dược điển Việt Nam; những vị thuốc được chế biến từ các dược liệu đặc thù của địa phương, các vị thuốc được chế biến từ dược liệu thuộc danh mục dược liệu được nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp;

[...]