Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 18-LĐTT
Ngày ban hành 17/06/1958
Ngày có hiệu lực 02/07/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LĐTT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

Các Bộ.
Các Ủy ban hành chính, khu, thành phố và tỉnh
Các Khu, Sở, Ty, Phòng lao động

 

Sắc lệnh số 29-SL ngày 12 tháng 8 năm 1947 điều 33 và 134 quy định tất cả các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm đều phải trang bị bảo hộ lao động cho công nhân của xí nghiệp mình. Quy định này nhằm bắt buộc các ban Giám đốc xí nghiệp công và chủ xí nghiệp công tư doanh phải chú ý giữ gìn sức khỏe và bảo đảm tính mạng cho công nhân, viên chức.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Nói chung, đến nay các ngành đều đã có cấp phát các dụng cụ bảo vệ sức khỏe cho công nhân, có tác dụng giảm bớt những nguy cơ bệnh tật nghề nghiệp và tai nạn lao động. Nhưng kiểm điểm lại những năm qua, số tai nạn xẩy ra ở các công trường và xí nghiệp và số người bị đau ốm cũng còn chiếm một tỷ lệ cao. Nguyên nhân một phần cũng do việc trang bị bảo hộ lao động còn nhiều thiếu sót.

a) Trang bị dụng cụ không đầy đủ, không kịp thời hoặc không thích hợp với tính chất của công việc.

Có những nghề như hàn điện mà ngành nào sử dụng nhưng trang bị bảo hộ lao động cho thợ hàn điện chưa thống nhất và hợp lý. Ngành cấp nhiều, ngành cấp ít. Những thứ thật cần thiết cho thợ hàn điện để cách ly điện như giầy đế cao su thì lại không có.

Có công trường sử dụng hàng trăm công nhân đục đá, bắn mìn, làm việc trên cao, nhưng không trang bị bảo hộ lao động, cho là công trường chỉ mở có 4, 5 tháng không cần trang bị.

Có nơi kính của thợ hàn xì bị vỡ nhưng xí nghiệp chờ đến hết hạn ký sử dụng mới cấp phát cái khác.

Có nơi dụng cụ trang bị cho công nhân không thích hợp với công việc làm. Như găng tay cấp cho anh em bốc đá hộc may bằng vải bạt dây, có hai ngón nhưng không đủ rộng cho ngón tay xòe ra khiến khi bốc đá không nắm được chắc. Anh em làm công việc bụi nhiều đều được cấp khẩu trang nhưng nhiều nơi không rút kinh nghiệm cải tiến kiểu may nên có những khẩu trang không sát miệng, bụi vẫn vào nhiều.

Có khẩu trang qúa dày, đáng lẽ may bằng vải màn nhiều lớp thì lại may bằng vải dày nên tuy có ngăn được bụi nhưng lại làm công nhân nghẹt thở và dầy cũng là một lý do làm công nhân ngại đeo khẩu trang.

b) Dụng cụ cấp phát chưa được sử dụng và giữ gìn.

Tuy các ngành đã cấp phát dụng cụ để trang bị cho công nhân nhưng việc dùng và giữ gìn thường đặt thành một chế độ rõ ràng và chặt chẽ. Một công nhân được cấp quần áo và giầy nhưng khi làn việc trong nhà máy thì không mang. Nhiều người được cấp găng tay nhưng không giặt giũ, giữ gìn nên bị dầu mỡ làm nát bẩn, hay hắc ín dính khô làm cho cứng queo không được dùng được nữa.

c) Còn có những hiện tượng biểu hiện kém ý thức bảo vệ lao động coi thường tác dụng của những dụng cụ đã được trang bị.

Nhiều công nhân còn nặng về tập quán cũ, còn chủ quan coi thường những thứ được trang bị và không chịu dùng những thứ đó khi cần thiết, như làm việc trên cao không chịu mang giầy an toàn, làm việc những nơi bụi bặm không chịu đeo khẩu trang mà cho là mang những dụnh cụ ấy thêm phiền phức, không thoải mái. Thấy thế, cán bộ có nhắc nhưng công nhân vẫn không theo và cán bộ cũng bỏ qua không ráo riết đôn đốc nên đã có những tai nạn xẩy ra do không sử dụng các phương tiện đề phòng.

d) Còn nặng tư tưởng chờ cấp trên cấp phát, cán bộ không vận động quần chúng công nhân phát huy sáng kiến tự giải quyết lấy những thứ có thể tự giải quyết được.

Công nhân làm việc trên mặt nền xi măng ẩm ướt có thể đi guốc (có cắt khía bên dưới) hay tạm thời đi guốc trong khi chờ đợi được trang bị những dụng cụ thuận tiện hơn, nhưng cả công nhân lẫn cán bộ không nghĩ tới, nên có những chị em chân bị nước ăn rỗ chằng rỗ thịt, ngón chân bị loét, công nhân bị đau, có người phải nghỉ việc, lãng phí thì giờ sản xuất.

Tóm lại, những thiếu sót nói trên đã ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe công nhân, đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc làm thiệt hại đến tính mạng của một số công nhân, gây tổn thất khá lớn cho ngân qũy của Nhà nước và không lợi cho sản xuất.

Sở dĩ mắc những thiếu sót đó một mặt là do việc giáo dục cho cán bộ và công nhân về ý nghĩa và mục đích của việc trang bị bảo hộ lao động chưa được đầy đủ và chưa nâng cao được ý thức bảo hộ lao động của anh chị em. Mặt khác, về tổ chức thực hiện chưa quy định những nguyên tắc cấp phát, giữ gìn và sử dụng các dụng cụ nói trên và chưa quy định rõ trách nhiệm của cán bộ và công nhân đối với vấn đề này.

II. CẦN CHẤN CHỈNH VIỆC TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Để chấn chỉnh việc trang bị bảo hộ lao động cần thống nhất nhận thức về công tác này trong giai đoạn phát triển theo kế hoạch dài hạn và trong hoàn cảnh kinh tế của nước ra, thống nhất những nguyên tắc áp dụng để tránh những khuyết điểm đã mắc phải trong thời gian vừa qua.

1) Nhận thức về trang bị bảo hộ lao động.

Trang bị bảo hộ lao động là một trong những biện pháp tích cực và hiệu nghiệm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân trong khi làm việc. Như tại một số nhà máy sản xuất hóa chất để công nhân khỏi bị nhiễm độc của hơi và bụi hóa chất bay ra, nhà máy cần bố trí máy móc, phương tiện trừ độc, để việc pha chế được tiến hành trong những điều kiện an toàn. Nhưng nếu do thiếu phương bị an toàn, thiếu phườn tiện trừ độc mà bụi và hơi độc vẫn còn bay ra được thì tùy theo loại hóa chất, cần phải trang bị anh em khẩu trang, kính che mắt, găng tay hoặc những mặt nạ thích hợp.

Làm việc có chất độc dù có trả lương cao hoặc phụ cấp nhiều mà không thiết bị an toàn máy móc đầy đủ, không trang bị được những dụng cụ bảo hộ thích hợp thì những nguy cơ về nhiễm trùng nhiễm độc vẫn luôn luôn đe doạ sức khỏe và tính mạng của công nhân.

Làm việc trên cao không có giây an toàn rất dễ xảy ra tai nạn. Những khoản chi tiêu sau khi tai nạn xẩy ra thường đắt gấp trăm lần sắm một giây an toàn để đề phòng và khi có công nhân chết về tai nạn lao động là một tổn thất rất lớn không lấy gì bù lại được.

[...]