Thông tư 313-BCNNh-CBLĐ-1964 quy định chế độ trang bị phòng hộ lao động trong Ngành công nghiệp nhẹ do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành

Số hiệu 313-BCNNh-CBLĐ
Ngày ban hành 23/11/1964
Ngày có hiệu lực 23/11/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nhẹ
Người ký Kha Vạn Cân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ

*******

Số: 313-BCNNh-CBLĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1964

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHẸ

Kính gửi:

Ông Cục trưởng các Cục Quản lý sản xuất,
Ông Giám đốc các xí nghiệp,
Ông Giám đốc các Sở, Ty Công nghiệp và thủ công nghiệp,
Ông Giám đốc các Cục, Vụ, Viện, Trường thuộc Bộ,

 Trong mấy năm qua, trước yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển, để đảm bảo an toàn trong sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức Bộ Lao động đã ban hành các Thông tư số 18-LĐTT ngày 17-06-1958, Thông tư số 04-LĐ-TT ngày 13-02-1961 và Thông tư số 13-LĐ-TT ngày 29-06-1962 thay thế các thông tư nói trên và quy định có tính chất nguyên tắc chung về trang bị phòng hộ cho các ngành nghề. Các xí nghiệp thuộc Bộ đã dựa vào các thông tư trên để quy định cụ thể chế độ trang bị cho các ngành nghề thuộc các xí nghiệp mình và đã có nhiều cố gắng trong việc cấp phát, sử dụng và nghiên cứu cải tiến một số loại dụng cụ phòng hộ lao động cho thích hợp. (Trong thông tư này dùng chữ phòng hộ để thay thế chữ phòng hộ lao động).

Nhưng đến nay, tình hình hình sản xuất của ngành công nghiệp nhẹ ngày càng phát triển nhanh chóng bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, thao tác phức tạp, sử dụng nhiều hóa chất, công nhân làm việc trong những điều kiện tiếp xúc với nhiều hơi nóng, bụi độc, khí độc v.v... nhưng chế độ trang bị phòng hộ chưa được ban hành đầy đủ và thống nhất cho toàn ngành do đó xí nghiệp cũng gặp trở ngại trong việc dự trù mua sắm dụng cụ phòng hộ để trang bị cho công nhân sản xuất. Mặt khác việc quy định và phân công trách nhiệm của các bộ môn chưa được rõ ràng, nội quy sử dụng bảo quản các dụng cụ phòng hộ cũng chưa được quy định cụ thể.

Căn cứ theo tinh thần Thông tư số 13-LĐ-TT ngày 29-06-1962 của Bộ Lao động về việc quy định nguyên tắc cấp phát, sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ:

Căn cứ theo các ngành nghề của ngành công nghiệp nhẹ hiện nay;

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất nhằm góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp làm ảnh hưởng sức khỏe công nhân;

Sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động, Tổng công đoàn Việt Nam và Công đoàn ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam, Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành "quy định trang bị phòng hộ lao động" cho từng ngành nghề và thống nhất trong toàn ngành công nghiệp nhẹ, nhằm:

- Phân biệt tính chất và điều kiện lao động cụ thể của từng ngành nghề để trang bị thích hợp với yêu cầu của sản xuất;

- Quy định những nguyên tắc cấp phát, sử dụng, bảo quản và trách nhiệm của các bộ môn trong việc dự trù mua sắm, cấp phát dụng cụ và trách nhiệm bảo quản của cá nhân được cấp phát dụng cụ phòng hộ lao động.

I. MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

Để đảm bảo an toàn trong khi sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất, việc quan trọng hơn hết là phải không ngừng cải tiến, bổ sung các thiết bị sản xuất, thiết bị an toàn và cải thiện điều kiện làm việc.

Tuy vậy, trong những trường hợp mà điều kiện sản xuất cũng như các thiết bị chưa đảm bảo đầy đủ thì phải có thêm những dụng cụ phòng hộ. Do đó dụng cụ phòng hộ chỉ là những phương tiện cần thiết làm tăng thêm điều kiện an toàn và bảo vệ sức khỏe cho công nhân, trong khi thiết bị an toàn chưa được giải quyết hết. Cho nên cùng một loại công việc như nhau nhưng điều kiện làm việc hoặc tính chất công tác khác nhau thì quy định trang bị phòng hộ cũng khác nhau. Khi điều kiện làm việc được cải tiến hoặc thiết bị bổ sung đầy đủ hơn, các nhân tố gây ra tai nạn và bệnh tật đã được khắc phục, thì lúc đó tiêu chuẩn trang bị phòng hộ sẽ thay đổi cho thích hợp.

Mặt khác, trong hoàn cảnh kinh tế của ta hiện nay, việc trang bị phòng hộ cũng còn phải căn cứ vào khả năng tài chính của Nhà nước mà giải quyết dần từng bước theo đà phát triển của nền kinh tế.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

1. Điều kiện được trang bị:

Khi công nhân viên chức làm việc ở trong một hay nhiều điều kiện sau đây thì được trang bị những dụng cụ phòng hộ cần thiết:

a) Làm việc trực tiếp trong những nơi có chất độc, hơi độc, khí độc, hôi thối, bẩn thỉu nhiễm vào người dễ gây ra tai nạn, phát sinh bệnh nghề nghiệp hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe (ví dụ: các loại hóa chất, khí than, bụi kim loại; nạo rửa da; công nhân tầm gỗ v.v...).

b) Làm việc ở một trong những điều kiện không bình thường như:

- Tiếp xúc với những vật bị đun nóng, nung nóng, hơi khí nóng, nước sôi và những mảnh kim loại nóng bắn vào người có thể làm bỏng da thịt (ví dụ: cán, đúc nhôm, tráng nung sắt tráng men; lò nung sứ v.v...)

- Làm việc trong những hầm kín, buồn kín thiếu không khí khó thở (như nhà hầm nhà máy bia) hoặc làm những việc phải thường xuyên dưới nước (như công nhân vớt gỗ dưới sông).

- Làm việc trong điều kiện ánh sáng chói quá, có hại đến mắt, da. Ở nơi có nhiều bụi quá tiêu chuẩn quy định, hoặc thường xuyên phải lao động ngoài trời, chịu ảnh hưỏng nắng, mưa, sương muối.

c) Làm việc trong những điều kiện nguy hiểm:

- Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36 vôn;

- Làm việc trên cao;

- Tiếp xúc với những vật nhọn sắc cạnh; cọ sát với vật nặng có thể bị xây sát cơ thể;

- Thường xuyên làm việc trong rừng rậm; leo núi, giẫm phải gai góc, dễ bị sên, vắt, rắn rết cắn.

[...]