Thông tư 178-BNT năm 1963 quy định chế độ trang bị bảo hộ lao động trong ngành ngoại thương do Bộ Ngoại thương ban hành

Số hiệu 178-BNT
Ngày ban hành 24/10/1963
Ngày có hiệu lực 24/10/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Lý Ban
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NGOẠI THƯƠNG
*******

Số : 178-BNT

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1963

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH NGOẠI THƯƠNG

Kính gửi:

Tổng Công ty xuất nhập khẩu,
Các Cục, Sở và Trường cán bộ Ngoại thương
Các Công ty, xí nghiệp, công trường

 

Công tác ngoại thương ngày càng phát triển, nhưng tiêu chuẩn trang bị phòng hộ lao động quy định trong thông tư số 62-BNT ngày 27-4-1962 của bộ đã ban hành, nay không còn thích hợp nữa.

Để đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe và cải thiện dần dần điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức, không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Dựa vào thông tư số 13-LĐ-TT ngày 29-6-1962 của Bộ Lao động và tình hình thực tế qua quá trình thực hiện chế độ trang bị bảo hộ lao động trong ngành, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ Lao động và Tổng công đoàn, bộ ban hành thông tư này nhằm quy định rõ hơn các nguyên tắc cấp phát, sử dụng, bảo quản và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc thi hành chế độ trang bị phòng hộ lao động.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

A. Điều kiện được trang bị.

Khi công nhân, viên chức làm việc trong một hay nhiều điều kiện sau đây thì được trang bị dụng cụ phòng hộ lao động:

1. Làm việc trực tiếp trong những nơi có chất độc, hơi độc, hôi thối, bẩn thỉu ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Làm việc ở một trong những điều kiện không bình thường như:

- Nóng hay lạnh quá mức bình thường;

- Ánh sáng quá chói có hại đến mắt;

- Nhiều bụi quá tiêu chuẩn quy định;

- Lầy lội, nước bẩn ăn lở loét chân tay;

- Tiếp xúc với vật nhọn, sắc cạnh, cọ sát của vật nặng, ráp, có thể bị xây xát cơ thể;

- Tiếp xúc với vật bị nung nóng, nước sôi có thể làm cháy bỏng da, hoặc bị những mảnh kim loại khoáng sản bắn vào mắt;

- Thường xuyên phải lưu động ngoài trời chịu ảnh hưởng của mưa vì không thể nghỉ để trú ẩn được.

3. Làm việc trong những điều kiện nguy hiểm như tiếp xúc với thiết bị có điện thế cao trên 56 vôn.

- Làm việc trên cao.

B. Đối tượng được trang bị dụng cụ phòng hộ lao động.

1. Công nhân, viên chức làm việc với những điều kiện như trên đã quy định ở các đơn vị xí nghiệp, công ty, các kho trạm, các công trường… thuộc Bộ Ngoại thương không phân biệt thường xuyên hay thời vụ, kể cả những người đang ở thời kỳ học nghề (trừ những người làm khoán tự do theo lối gia công) đều được cấp phát hoặc cho mượn những dụng cụ phòng lao động cần thiết.

2. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ kiểm tra, cán bộ lãnh đạo xí nghiệp, công ty khi tiếp xúc với công việc có một hay nhiều điều kiện nói trên cũng được đơn vị cho mượn dụng cụ phòng hộ lao động trong thời gian làm việc.

3. Đối với những công việc không làm thường xuyên, nhưng khi làm cần thiết phải có trang bị phòng hộ lao động thì đơn vị được mua sắm một số dự phòng để dùng khi làm công việc đó.

4. Đối với những công việc không gây nhiều độc và nguy hiểm mà chỉ làm trong một thời gian ngắn, sau đó lại đi làm việc khác, không gây nhiễm độc lắm, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì không nhất thiết phải trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn quy định (thí dụ quần áo, mũ vải v.v... cho thợ sửa chữa máy) trái lại đối với những công việc dễ nhiễm độc, nhiễm trùng hoặc nguy hiểm đến tính mạng công nhân, thì mặc dù chỉ làm trong một thời gian rất ngắn cũng phải được trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ theo tiêu chuẩn quy định. Thí dụ: công nhân trực tiếp với điện…

II. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG VÀ GIỮ GÌN DỤNG CỤ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

1. Dụng cụ phòng hộ lao động là tài sản chung của Nhà nước. Các đơn vị cấp phát có trách nhiệm bảo quản theo dõi kiểm tra việc sử dụng không để lãng phí mất mát gây thiệt hại cho công quỹ và tài sản chung của Nhà nước.

2. Những cán bộ, công nhân được cấp phát hoặc được mượn dụng cụ trang bị phòng hộ lao động có trách nhiệm bảo quản tốt và sử dụng trong giờ làm việc không được sử dụng ngoài giờ làm việc.

[...]