Thông tư 04-LĐ/TT năm 1961 về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trên các công trường xây dựng do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 04-LĐ/TT
Ngày ban hành 13/02/1961
Ngày có hiệu lực 28/02/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số: 04-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 1961

 

THÔNG TƯ

VỀ TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN LÀM VIỆC TRÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

Các Bộ (trừ Bộ Ngoại giao)
Các Tổng cục Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Địa chất
Các Ủy ban hành chính kkhu, thành phố, tỉnh
Các Sở, Ty, Phòng Lao động

 

Thông tư số 18-LĐ/TT ngày 17-6-1958 của Bộ Lao động ấn định những nguyên tắc về trang bị bảo hộ lao động nhằm tạo điều kiện để công nhân làm việc được an toàn và đẩy mạnh sản xuất. Căn cứ vào thông tư trên, hầu hết các ngành sử dụng công nhân, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động, đã ra những quy định cụ thể về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân ngành mình.

Đến nay, nói chung việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân ở các xí nghiệp đã tiến hành tương đối tốt. Riêng đối với công nhân làm việc trên các công trường xây dựng thì việc trang bị bảo hộ lao động còn gặp những vướng mắc dưới đây:

- Ở các công trường xây dựng, tính chất sản xuất, điều kiện làm việc có những điểm không giống ở xí nghiệp, nhưng việc trang bị phòng hộ cũng thực hiện như ở xí nghiệp nên vài chỗ chưa phù hợp và chưa đủ để bảo đảm an toàn cho lao động.

- Có những nơi, công nhân làm nghề mới cần được trang bị về bảo hộ lao động, nhưng các ngành chưa nghiên cứu quy định kịp thời.

- Những công trường hoạt động ngắn hạn, hoặc giao khoán việc thường ít chú trọng đến trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, cho là chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn không cần thiết phải trang bị hoặc cho là giao khoán công nhân phải tự túc về dụng cụ phòng hộ.

- Việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm một nghề trong những điều kiện như nhau chưa được thống nhất ở các công trường, có nơi trang bị nhiều, nơi trang bị ít.

Những thiếu sót trên đã gây nhiều trở ngại cho việc bảo vệ sức khoẻ của công nhân và đã có trường hợp xảy ra tai nạn vì công nhân không được trang bị dụng cụ phòng hộ cần thiết.

Để khắc phục những thiếu sót trên, căn cứ vào yêu cầu của các ngành quản lý xây dựng, Bộ Lao động ra thông tư này hướng dẫn cụ thể việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân trên các công trường xây dựng. Dưới đây là một số nguyên tắc mà các ngành, các công trường cần thực hiện đúng để việc trang bị bảo hộ lao động và sử dụng trang bị đạt được kết quả tốt.

1. Tất cả công nhân công trường làm những công việc cần được trang bị bảo hộ lao động đều được cung cấp dụng cụ cần thiết, không phân biệt hình thức trả lương và thời gian sử dụng.

Những công nhân công trường làm những công việc có tiêu chuẩn được cấp phát dụng cụ phòng hộ thì nhất thiết phải được trang bị theo quy định, không phân biệt là công nhân lĩnh lương tháng, lương khoán, lương công nhật, và thời gian làm việc dài hay ngắn. Đối với những công nhân làm khoán việc, công nhân ngoài biên chế, cơ quan sử dụng cũng phải cấp phát cho họ những dụng cụ phòng hộ cần thiết; khi đặt giá khoán, tiền công không được khấu trừ khoản chi phí về trang bị phòng hộ.

2. Công trường có trách nhiệm cung cấp trang bị bảo hộ lao động và bảo đảm cho công nhân có đủ dụng cụ cần thiết trong khi khi làm việc.

Đối với những công nhân làm những công việc có tiêu chuẩn được cấp phát các trang bị bảo hộ lao động, thì nhất thiết phải được công trường cung cấp đủ. Nếu chưa hết hạn sử dụng mà các trang bị đó hỏng hoặc mất, bất cứ lý do gì, công trường cũng phải cung cấp ngay những thứ  khác. Trường hợp công nhân làm hỏng hoặc mất các trang bị không có lý do chính đáng, thì phải đền theo trị giá của trang bị lúc làm hỏng hay làm mất. Việc bồi thường nay do Ban chỉ huy công trường quyết định sau khi đã có sự thoả thuận của Ban chấp hành công đoàn cung cấp.

Để giúp cho việc sử dụng các trang bị phòng hộ được hợp lý, đề cao trách nhiệm của công nhân trong việc bảo quản và giúp cho việc lập dự trù mua sắm được dễ dàng, mỗi ngành sẽ ấn định cho từng loại dụng cụ phòng hộ một thời hạn sử dụng cho sát.

3. Công nhân khi làm việc bắt buộc phải mang những dụng cụ phòng hộ đã quy định và chỉ được sử dụng những dụng cụ đó trong khi làm việc.

Việc trang bị bảo hộ lao động nhằm đề phòng bệnh nghề nghiệp và đề phòng tai nạn cho công nhân. Vì vậy, khi làm việc, công nhân nhất thiết phải sử dụng những dụng cụ phòng hộ được cấp phát. Việc bảo quản các dụng cụ phòng hộ cũng cần được thực hiện tốt để tránh lãng phí. Cần đề cao ý thức bảo vệ của công và tinh thần tiết kiệm trong việc sử dụng các dụng cụ phòng hộ.

Để đạt được yêu cầu trên, ở mỗi công trường cần có nội quy sử dụng và bảo quản các dụng cụ phòng hộ.

Để việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân công trường làm cùng một nghề trong những điều kiện làm việc tương tự được thống nhất, Bộ Lao động ban hành kèm theo thông tư này một danh sách các loại công việc cần được trang bị và cách trang bị cho công nhân làm các công việc đó. Đối với những công việc khác chưa được ghi trong danh sách này, mà xét cần được trang bị thì ngành quản lý công trường sẽ báo cáo cho Bộ Lao động để cùng nghiên cứu quy định thêm.

Các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương cần phổ biến rộng rãi Thông tư này cho tất cả các công trường thuộc quyền quản lý và hướng dẫn thi hành cho tốt.

Các Sở, Ty, Phòng Lao động có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và báo cáo cho Bộ biết những khó khăn, mắc mứu để kịp thời nghiên cứu giải quyết.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

 

TIÊU CHUẨN TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN CÁC CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Thông tư của Bộ Lao động số 04 ngày 23 tháng 02 năm 1961)

[...]