Thông tư 18/2020/TT-BTTTT về Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 18/2020/TT-BTTTT
Ngày ban hành 20/08/2020
Ngày có hiệu lực 06/10/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2020/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY HOẠCH BĂNG TẦN 2300-2400 MHZ VÀ BĂNG TẦN 2500-2690 MHZ CHO HỆ THỐNG THÔNG TIN DI ĐỘNG IMT CỦA VIỆT NAM

Căn cứ Luật tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Cán cứ Quyết định số 71/2013/QĐ-TTG ngày 21 tháng 11 nam 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTG ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT- Advandced1 và các phiên bản tiếp theo.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thiết bị vô tuyến điện tại Việt Nam.

Điều 2. Nội dung quy hoạch

1. Băng tần 2300-2400 MHz được phân chia như sau:

a) Đoạn băng tần 2300-2390 MHz được phân chia thành 02 khối song công phân chia theo thời gian (TDD) là A1 có độ rộng 50 MHz và A2 có độ rộng 40 MHz.

b) Đoạn băng tần 2390-2400 MHz được dành làm băng tần bảo vệ.

2. Băng tần 2500-2690 MHz được phân chia như sau:

Băng tần 2500-2690 MHz được phân chia thành 02 khối TDD là B1 có độ rộng 100 MHz và B2 có độ rộng 90 MHz.

3. Mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 01 khối trong tổng số 04 khối A1, A2, B1, B2 quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

4. Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong cùng băng tần 2300-2400 MHz hoặc trong cùng băng tần 2500-2690 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại, đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD và thực hiện theo các quy định của giấy phép sử dụng băng tần.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2020 và thay thế các Thông tư sau đây:

a) Thông tư số 26/2010/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

b) Thông tư số 27/2010/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy hoạch băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

c) Thông tư số 44/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 27/2010/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy hoạch băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

[...]