Thông tư 174/1998/TT-BTC hướng dẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 174/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 24/12/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 174/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 174/1998/TT-BTC NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10 tháng 5 năm 1997, Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ qui định bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 03/1997/QH9 ngày 10 tháng 5 năm 1997, Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 99 /1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 hướng dẫn thi hành;
Để các doanh nghiệp kinh doanh Bảo hiểm thực hiện đúng quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tính, kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiêp (TNDN) đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:

I/ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

1) Đối tượng chịu thuế GTGT:

Đối tượng chịu thuế GTGT trong các doanh nghiệp Bảo hiểm là dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ, hàng hoá khác dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (trừ các dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nêu tại điểm 3 mục này), bao gồm:

- Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ.

- Dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba...

- Kinh doanh hàng hoá, dịch vụ khác.

2) Đối tượng nộp thuế GTGT:

Đối tượng nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Thông tư này là các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam thuộc diện chịu thuế GTGT, bao gồm: Doanh nghiệp nhà nước; Công ty cổ phần; Công ty tương hỗ; Công ty liên doanh; Công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài; Chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài...

3) Đối tượng không chịu thuế GTGT:

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 4 của Luật thuế GTGT thì các dịch vụ bảo hiểm sau đây không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT:

- Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh và các nghiệp vụ bảo hiểm con người như: bảo hiểm tai nạn thuỷ thủ - thuyền viên, bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện), bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm khách du lịch, bảo hiểm tai nạn lái - phụ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm cho người đình sản, bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẫu thuật, bảo hiểm sinh mạng cá nhân, bảo hiểm người sử dụng điện ...

- Bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác.

4) Giá tính thuế:

Giá tính thuế GTGT đối với dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ, hàng hoá khác do các doanh nghiệp Bảo hiểm cung ứng được xác định như sau:

- Đối với bảo hiểm gốc là phí bảo hiểm gốc (bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm mà doanh nghiệp Bảo hiểm được hưởng, nếu có) chưa có thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT.

+ Trường hợp phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính đã bao gồm thuế GTGT (giá thanh toán) thì phí bảo hiểm chưa có thuế GTGT được xác định như sau:

Phí bảo hiểm chưa có thuế GTGT

(giá chưa có thuế GTGT)

=

Phí bảo hiểm (giá thanh toán)

1 + Thuế suất (10%)

+ Trường hợp các hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm thoả thuận thu phí từng kỳ thì tính thuế GTGT trên số tiền trả từng kỳ, nếu thoả thuận trả trước một lần thì tính theo giá trả trước một lần chưa có thuế GTGT.

Ví dụ: ngày 10/1/1999 Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam ký hợp đồng bảo hiểm 1 tàu đánh cá cho Công ty Hải sản Biển Đông với mức phí bảo hiểm tính ra đối với con tàu đó là 100 triệu đồng (giả định đây là mức phí do nhà nước quy định đã bao gồm cả thuế GTGT, tức là giá thanh toán), hợp đồng có giá trị trong 5 năm và thời hạn thanh toán được ghi trong hợp đồng như sau: năm thứ nhất, trong thời hạn 15 ngày sau ngày ký hợp đồng Công ty Hải sản Biển Đông phải trả cho Tổng công ty Bảo hiểm 70% phí bảo hiểm, các năm tiếp sau mỗi năm phải trả 10% và năm thứ 4 thì phải trả hết tiền phí bảo hiểm theo thoả thuận.

Do đó, giá tính thuế GTGT đối với dịch vụ phí bảo hiểm con tàu trên sẽ là:

Giá tính thuế GTGT

=

100 triệu đồng

1 + 10% (thuế suất)

=

90,9 triệu đồng

Doanh thu tính thuế GTGT của Tổng công ty Bảo hiểm tính cho từng năm sẽ là: năm thứ nhất: 90,9 x70% = 63,63 triệu đồng (đồng thời cũng là doanh thu tính thuế GTGT của tháng 1/1999), các năm thứ 2, 3, 4 mỗi năm sẽ là: 90,9 triệu x 10% = 9,09 triệu đồng (doanh thu tính thuế GTGT 4 năm phải tính đủ 90,9 triệu đ). Trong trường hợp này, mặc dù hợp đồng bảo hiểm có giá trị 5 năm, nhưng doanh thu tính thuế GTGT (đầu ra) chỉ được xác định trong 4 năm đầu.

- Đối với dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba.v.v. hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng chưa trừ một khoản phí tổn nào mà doanh nghiệp Bảo hiểm thu được.

- Đối với hàng hoá, dịch vụ khác là giá bán hàng hoá, dịch vụ chưa có thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT.

5) Thuế suất:

[...]