Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 16-TBXH-1977 hướng dẫn thi hành Quyết định 208-CP-1977 về chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng do Bộ Thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 16-TBXH
Ngày ban hành 11/10/1977
Ngày có hiệu lực 26/10/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh và Xã hội
Người ký Huỳnh Đắc Hương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TBXH

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1977

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 208-CP NGÀY 20-07-1977 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VÀ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG.

Ngày 20 tháng 07 năm 1977, Hội đồng Chính phủ có quyết định số 208-CP về chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng.

Để thi hành quyết định nói trên. Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn cụ thể một số điểm sau đây.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ

Trong sự nghiệp cách mạng lâu dài và gian khổ của nhân dân ta, ngay trước ngày tổng khởi nghĩa (8-1945) khi chưa có chính quyền hoặc trong kháng chiến ở những vùng bị địch kìm kẹp, nhiều người và gia đình đã có công giúp đỡ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những công lao, thành tích đó. Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Tổng bộ Việt Minh đã tặng bằng Có công với nước và Đồng tiền vàng cho những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trong thời gian trước ngày Tổng khởi nghĩa (19-08-1945). Sau khi cuộc kháng chiến thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Chính phủ đã có những quy định khen thưởng những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Việc khen thưởng này đã được tiến hành một cách liên tục và rộng khắp ở các tỉnh phía Bắc.

Về đãi ngộ vật chất, tuy Nhà nước chưa có quy định thành chế độ toàn diện và thống nhất, nhưng các địa phương tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nơi, đều đã có sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ những người và gia đình có công với cách mạng.

Ngày nay, sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn và vĩnh viễn. Tổ quốc ta đã thật sự độc lập, tự do và thống nhất. Việc quy định chính sách một cách toàn diện đối với những người và gia đình có công với cách mạng để thi hành thống nhất trong cả nước là một yêu cầu cấp thiết.

Nghị quyết đại hội lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ: “Những người và gia đình có công với cách mạng cần được nêu gương và khen thưởng thích đáng và được giúp đỡ chu đáo những khi gặp khó khăn”.

Trong thông tri số 16-TT/TW ngày 25-06-1977 về việc tăng cường lãnh đạo công tác thương binh và xã hội, Ban Bí thư trung ương Đảng cũng đã nhắc các ngành, các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đầy đủ vai trò và khả năng to lớn của quần chúng để giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng.

Như vậy, cùng với việc nêu gương, khen thưởng, việc Hội đồng Chính phủ ban hành các chế độ đãi ngộ về vật chất để thi hành thống nhất trong cả nước trong tình hình hiện nay làm cho chính sách đối với những người và gia đình có công với cách mạng ngày càng toàn diện hơn. Nó thể hiện sự quan tâm chăm sóc, sự ăn ở trọn nghĩa vẹn tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người và gia đình có công với cách mạng, tạo điều kiện để việc chăm sóc được thiết thực, cụ thể và thống nhất hơn, đồng thời góp phần động viên nhân dân ta phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ 

1. Những người và gia đình có công với cách mạng là những người và gia đình có công trực tiếp giúp đỡ cách mạng khi chưa giành được chính quyền, hoặc trong vùng bị địch kìm kẹp, khủng bố gắt gao…; sự giúp đỡ này nếu bị lộ sẽ dẫn đến nguy hiểm cho người giúp đỡ cách mạng về tính mạng, tài sản như bị địch bắt bớ, tù đày, sát hại, triệt phá nhà cửa v.v…

a) Người có công với cách mạng được hưởng chế độ đãi ngộ là người đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng, được đứng tên trong quyết định khen thưởng.

b) Gia đình có công với cách mạng là gia đình có chủ gia đình và ít nhất là một người thân nữa trở lên (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con…) cùng sống chung trong gia đình lúc đó đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng.

Trong gia đình có công với cách mạng chỉ người có công chủ yếu được đứng tên trong quyết định khen thưởng và những người đã trực tiếp có công giúp đỡ cách mạng được xác nhận trong hồ sơ khen thưởng, mới được hưởng chế độ đãi ngộ.

2. Do tính chất, quy mô của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta rất rộng lớn, lâu dài và gian khổ, nên số người và gia đình có công với cách mạng trong cả nước rất đông mà công lao thành tích của từng người, từng gia đình trong từng giai đoạn cách mạng cũng khác nhau và chế độ đãi ngộ đối với những người và gia đình có công với cách mạng lại phải căn cứ vào khả năng thực tế của đất nước.

Vì vậy, Hội đồng Chính phủ đã quy định đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ trong quyết định số 208-CP gồm những người và gia đình là nhân dân có công giúp đỡ cách mạng và kháng chiến sau đây:

a) Những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa (19-08-1945), đã được khen thưởng theo thông tư số 83-TTg ngày 22-08-1962 của Phủ thủ tướng, với các hình thức:

- Kỷ nhiệm chương Tổ quốc ghi công, kèm theo bằng Có công với nước;

- Bằng Có công với nước;

b) Những người và gia đình có công trong kháng chiến chống Pháp đã được tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Pháp đã được tặng thưởng huân chương kháng chiến theo thông tư số 84-TTg ngày 22-8-1962 của Phủ thủ tướng.

Đối với hình thức khen thưởng khác tương đương, thì sau này nếu có quy định hình thức khen thưởng mới, Bộ Thương binh và xã hội sẽ có hướng dẫn sau;

c) Riêng về những người và gia đình có công với cách mạng trong cả nước chưa được khen thưởng (gồm những người và gia đình có công với cách mạng ở các tỉnh phía Nam và có công trong kháng chiến chống Mỹ ở các tỉnh phía Bắc), thì giải quyết theo như hướng dẫn ở điểm 1 phần IV của thông tư này.

Những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng ở mức được tặng thưởng huy chương kháng chiến hoặc bằng khen và những người, những gia đình được khen thưởng vì công lao, thành tích khác, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ đãi ngộ nói ở quyết định số 208-CP.

3. Những người và gia đình có công với cách mạng được hưởng chế độ đãi ngộ phải là những người và gia đình luôn luôn có biểu hiện tốt đối với cách mạng, chấp hành các chính sách của Đảng và Chính phủ, và tuân theo pháp luật của Nhà nước. Những người và gia đình có công với cách mạng, nhưng sau khi giúp đỡ cách mạng, đã phạm vào một trong những trường hợp dưới đây trong chế độ ta mà không được công nhận là người hoặc gia đình có công với cách mạng, thì không được hưởng chế độ đãi ngộ:

 - Có hành động phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho địch;

 - Bị tước quyền công dân;

[...]