Thông tư 15/2019/TT-BTNMT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 15/2019/TT-BTNMT
Ngày ban hành 11/09/2019
Ngày có hiệu lực 28/10/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Võ Tuấn Nhân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2019/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP TIẾP CẬN NGUỒN GEN ĐỂ NGHIÊN CỨU VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI, PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết khoản 5 Điều 13 Nghị định số 59/2017/NĐ- CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đa dạng sinh học và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại

1. Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (sau đây gọi là Hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đối với từng hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (sau đây gọi là Hồ sơ).

3. Các hoạt động của Hội đồng thực hiện thông qua Cơ quan thường trực thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (sau đây gọi là Cơ quan thường trực thẩm định). Trách nhiệm của Cơ quan thường trực thẩm định quy định tại Điều 9 Thông tư này.

4. Hội đồng có quyền yêu cầu Cơ quan thường trực thẩm định cung cấp thông tin, tài liệu và những vấn đề liên quan đến Hồ sơ để nghiên cứu, thẩm định.

5. Thành viên Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số.

2. Ý kiến của từng thành viên Hội đồng và ý kiến thẩm định của Hội đồng được thể hiện trong biên bản cuộc họp Hội đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hội đồng kết luận theo 01 trong 03 mức độ:

a) Đồng ý thông qua: khi có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá đồng ý thông qua, trong đó phải có ít nhất 01 Ủy viên Phản biện;

b) Đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, trong đó phải có ít nhất 01 Ủy viên Phản biện;

c) Không đồng ý thông qua: khi có trên một phần ba số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua hoặc cả 02 Ủy viên Phản biện có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.

Chương II

[...]