Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 149-KHH-TT năm 1963 hướng dẫn Điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp do Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành

Số hiệu 149-KHH-TT
Ngày ban hành 15/09/1963
Ngày có hiệu lực 30/09/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ủy ban Khoa học Nhà nước
Người ký Lê Khắc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149-KHH-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 1963

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Ngày 24 tháng 08 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 123-CP ban hành bản điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Căn cứ điều 2 của nghị định, nay Ủy ban khoa học Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều trong điều lệ.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về phương châm tiến hành tiêu chuẩn hóa ở nước ta hiện nay.

Nền kinh tế nước ta không ngừng phát triển, yêu cầu quản lý sản xuất ngày càng cao, tiêu chuẩn hóa từ mấy năm nay đã trở thành một vấn đề rất cần thiết và được Nhà nước rất chú ý. Trước tình hình ấy, đã đến lúc cần có một sự quan tâm thích đáng ở riêng trong từng ngành và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để công tác tiêu chuẩn hóa được tiến hành khẩn trương tích cực, nước ta sớm có được một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật tương đối đầy đủ. Việc làm ấy chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng và hợp lý hóa sản xuất, đưa công nghiệp, nông nghiệp của nước ta tiến dần lên những trình độ mới cao hơn nữa.

Tuy nhiên cũng cần phải thấy là trong thực tế sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của ta hiện nay hãy còn khá nhiều khó khăn. Khó khăn do cơ sở vật chất và kỹ thuật còn yếu, do trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật còn thấp và do một số điều kiện thiên nhiên đặc biệt của nước ta. Những khó khăn ấy đều phải được chiếu cố thích đáng. Do đó khi tiến hành tiêu chuẩn hóa, tuy vẫn cần tích cực khẩn trương song cũng phải thận trọng. Phải đi từng bước, từ dễ đến khó, từ bộ phận lan dần ra toàn bộ và nhất là phải có kế hoạch cụ thể.

Tinh thần ấy phải được quán triệt, lúc làm kế hoạch tiêu chuẩn hóa cũng như khi xây dựng, xét duyệt các tiêu chuẩn và cả trong quá trình quản lý các tiêu chuẩn và cả trong quá trình quản lý các tiêu chuẩn sau này.

2. Về vấn đề phân loại tiêu chuẩn.

Việc phân các tiêu chuẩn làm 6 loại cơ bản dựa vào cơ sở nội dung của các tiêu chuẩn. Cụ thể như sau:

a) Các tiêu chuẩn về thông số và kích thước cơ bản.

Trong công tác tiêu chuẩn hóa khái niệm “thông số” chỉ tính năng sử dụng quan trọng nhất của sản phẩm. Như ở các loại máy đó là công suất, số vòng quay…; ở các loại xe cộ đó là trọng tải, dung tải…; ở các thiết bị điện đó là điện thế… ở các thiết bị hơi đó là áp suất, nhiệt độ…

Khái niệm “kích thước” bao gồm cả các kích thước nối lắp và giới hạn. Tiêu chuẩn thông số và kích thước quy định các loại, kiểu, dạng sản phẩm, nhằm hai mục đích. Một mặt để thực hiện thống nhất hóa trong sản xuất: loại bỏ bớt những kiểu, dạng không kinh tế; hình thành những dãy kiểu, dạng mới hợp lý nhất về số lượng cũng như về tính năng sử dụng. Mặt khác là để bảo đảm cho tính lắp lẫn của sản phẩm, tạo điều kiện tổ chức sản xuất hàng loạt theo dây chuyền, thực hiện chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất.

Việc nghiên cứu để xây dựng những dãy thông số và kích thước cần đi từ cơ sở các “dãy số ưu tiên”, là những dãy số xác định quy luật quan hệ hợp lý nhất giữa các thông số và kích thước khác nhau. Vì thông số và kích thước của một sản phẩm này thường có liên quan chặt chẽ đến các thông số và kích thước của nhiều sản phẩm khác nữa, nên cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng trước khi quy định. Mặt khác cũng cần biết giới hạn trong phạm vi của những tính năng quan trọng nhất, tránh quy định ngay một lúc quá nhiều chi tiết tỉ mỉ, để giữ khả năng còn có thể tiếp tục caei tiến sản phẩm thêm nữa lâu dài về sau.

b) Các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật.

Loại này quy định các chỉ tiêu đặc trưng cho chất lượng của sản phẩm. Đó có thể là những chỉ tiêu về:

- Tính năng: độ bền, độ cứng, độ thấm, độ nhậy, độ chính xác, tính dẫn điện, tính chịu nhiệt, tính chịu lửa, tính chống ăn mòn, tính dễ gia công…;

- Thành phần cấu tạo và độ tinh khiết;

- Cảm quan và trạng thái bên ngoài: mùi vị, màu sắc, chất lượng bề mặt…;

- Các thứ nguyên vật liệu và bán thành phẩm để làm ra sản phẩm.

Kèm theo từng chỉ tiêu, cần quy định mức sai lệch cho phép.

Đưa những chỉ tiêu nào vào tiêu chuẩn thì phải tùy theo loại sản phẩm, tùy theo công dụng của sản phẩm và tùy theo những yêu cầu đã được đề ra lúc xây dựng tiêu chuẩn: nâng cao chất lượng, tiết kiệm vật liệu, tăng năng suất, giảm giá thành…

Thông thường các chỉ tiêu này sẽ được kiểm tra bằng đo lường. Trường hợp không thể kiểm tra bằng đo lường mà chỉ có cách đem đối chiếu với một sản phẩm “mẫu” thì tiêu chuẩn phải quy định rõ các yêu cầu đối chiếu; thủ tục duyệt, phân phối và bảo quản “mẫu”.

Ngoài ra tùy trường hợp trong tiêu chuẩn còn có thể có những yêu cầu cần thiết khác nữa như: độ chính xác trong chế tạo, các yêu cầu về cơ thể, nhiệt luyện; các thời hạn sử dụng, bảo đảm; các yêu cầu đặc biệt đối với những sản phẩm cần bảo quản lâu dài...

c) Các tiêu chuẩn về phương pháp thử.

Loại này quy định thống nhất các phương pháp thử sản phẩm: Phương pháp được chọn phải thích hợp với mức của chỉ tiêu, phải dựa vào các thành tựu mới của khoa học và kỹ thuật, nhằm bảo đảm cho việc thử đạt được chất lượng cao mà ít tốn kém nhất.

Ở đây cần nêu rõ:

[...]