Nghị định 123-CP năm 1963 ban hành điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp do của Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 123-CP
Ngày ban hành 24/08/1963
Ngày có hiệu lực 24/08/1963
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 123-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1963

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý kỹ thuật nhằm thực hiện thống nhất hóa, cơ giới hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, nâng cao phẩm chất sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đồng thời tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao hiệu suất lao động và hạ giá thành sản xuất;

Xét đề nghị của Ủy ban khoa học Nhà nước trong công văn số 223-KHH ngày 08 tháng 3 năm 1963;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 08 tháng 8 năm 1963,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp.

Điều lệ này là cơ sở pháp lý để thống nhất từng bước tiêu chuẩn hóa các sản phẩm công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng do Nhà nước thu mua để làm nguyên liệu công nghiệp, để xuất khẩu hoặc có quan hệ rất lớn đến đời sống của nhân dân.

Điều 2. - Ủy ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thi hành điều lệ này.

Điều 3. - Bản điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. – Trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp được đặt ra nhằm mục đích thống nhất hóa, cơ khí hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính lắp lẫn và tính tổ hợp của sản phẩm; bảo đảm sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; rút ngắn thời gian thiết kế và sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động, giảm giá thành sản xuất.

Điều 2. - Tất cả các sản phẩm công nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp quan trọng do Nhà nước thu mua để làm nguyên liệu công nghiệp, để xuất khẩu hoặc có quan hệ rất lớn đối với đời sống của nhân dân đều phải được tiêu chuẩn hóa.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp cần được tiến hành một cách tích cực, nhưng phải từng bước và có kế hoạch cụ thể.

Điều 3. – Tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp gồm có những loại cơ bản sau đây:

a) Các tiêu chuẩn về thông số và kích thước cơ bản;

b) Các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật;

c) Các tiêu chuẩn về phương pháp thử;

d) Các tiêu chuẩn về ghi nhãn hiệu, bao gói, vận chuyển, bảo quản

e) Các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn diện, gồm đủ các mục: thông số và kích thước cơ bản; yêu cầu kỹ thuật; phương pháp thử; cách ghi nhãn hiệu, bao gói, vận chuyển, bảo quản;

g) Các tiêu chuẩn về những vần đề kỹ thuật chung.

Điều 4. – Tiêu chuẩn của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp được phân làm ba cấp:

a) Tiêu chuẩn Nhà nước để áp dụng trong tất cả các ngành sản xuất, được quy định cho những sản phẩm do nhiều ngành cùng sản xuất, cùng sử dụng, hoặc do một ngành sản xuất để nhiều ngành sử dụng.

b) Tiêu chuẩn ngành để áp dụng trong từng ngành, được quy định:

[...]