Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 488-KHKT/TT-1966 về việc xây dựng, xét duyệt, ban hành, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp do Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

Số hiệu 488-KHKT/TT
Ngày ban hành 05/06/1966
Ngày có hiệu lực 20/06/1966
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
Người ký Trần Đại Nghĩa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 488-KHKT/TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 1966 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT, BAN HÀNH, QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý kỹ thuật của các địa phương.
Căn cứ vào Nghị định số 123 – CP ngày 24 tháng 8 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ, căn cứ tình hình áp dụng tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành đã ban hành.
Xét thấy Nhà nước cũng như các ngành chủ quản sản xuất ở trung ương chưa có thể tổ chức nghiên cứu, xét duyệt và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp cho tất cả các sản phẩm do địa phương quản lý sản xuất hiện nay.
Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước thấy cần thiết để các khu, tỉnh, thành phố có thể xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương theo các thể thức quy định dưới dây:
1. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương là văn bản kỹ thuật của một khu, tỉnh, thành phố và chỉ có hiệu lực trong phạm vi khu, tỉnh, thành phố đó.

2. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương chỉ được xây dựng:

- Khi chưa có tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành có hiệu lực đối với sản phẩm do địa phương quản lý sản xuất.

- Khi cần cụ thể hóa tiêu chuẩn Nhà nước hoặc tiêu chuẩn ngành có hiệu lực đối với sản phẩm do địa phương quản lý sản xuất. Trong trường hợp này nội dung tiêu chuẩn địa phương không được trái với các điều quy định trong tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành.

- Cho những sản phẩm sản xuất chỉ để dùng trong địa phương.

3. Ban Khoa học và kỹ thuật và các cơ quan chủ quản sản xuất của khu, tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương.

4. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban hành chính hoặc một cơ quan được Ủy ban hành chính ủy quyền xét duyệt và ban hành.

5. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành dưới hai hình thức:

- chính thức áp dụng, bắt buộc phải chấp hành kể từ ngày tiêu chuẩn có hiệu lực.

- khuyến khích áp dụng, không bắt buộc nhưng các cơ sở sản xuất cần cố gắng áp dụng được chừng nào tốt chừng ấy.

6. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương gồm có các loại cơ bản như tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành:

- tiêu chuẩn về thông số và kích thước cơ bản.

- tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật.

- tiêu chuẩn về phương pháp thử.

- tiêu chuẩn về ghi nhãn hiệu, bao gói, vận chuyển, bảo quản.

- tiêu chuẩn toàn diện gồm đủ nội dung các tiêu chuẩn nói trên.

- tiêu chuẩn về những vấn đề kỹ thuật chung.

7. Khi xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương cần chú ý:

- Bộ phận nghiên cứu dự thảo có nhiệm vụ tổng hợp các tài liệu liên quan (các tài liệu điều tra thống kê, các tiêu chuẩn hay quy định kỹ thuật đang áp dụng, các kết quả nghiên cứu khoa học…), kinh nghiệm sản xuất và tình hình thực tiễn (về thiết kế, sản xuất, sử dụng) của địa phương, trên cơ sở đó đề ra những chỉ tiêu thích hợp đưa vào dự thảo.

- Trước khi trình xét duyệt ban hành bản dự thảo tiêu chuẩn cần được sự đóng góp ý kiến của các cơ sở sản xuất và các ngành có liên quan trong địa phương.

8. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương được trình bày thống nhất theo mẫu quy định của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (nếu in typo). Trường hợp chỉ in  rô-nê-ô hay đánh máy thì không bắt buộc theo quy định.

9. Tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương đã ban hành phải được đăng ký thống nhất vào một quyển sổ riêng tại Ban khoa học và kỹ thuật và ký hiệu thống nhất theo như quy định trong công văn số 34-KHH/ĐLTC ngày 24-2-1966 của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

10. Ban khoa học và kỹ thuật là cơ quan giúp Ủy ban hành chính chỉ đạo toàn bộ công tác tiêu chuẩn hóa ở địa phương. Tại ban khoa học và kỹ thuật cần có cán bộ chuyên trách công tác này để giúp ban làm các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Lập kế hoạch tiêu chuẩn hóa của địa phương.

- Điều hòa, phối hợp công tác tiêu chuẩn hóa giữa các ngành trong địa phương.

- Đôn đốc, theo dõi việc nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn địa phương.

[...]