BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 144/2013/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày
21 tháng 10 năm 2013
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN XUẤT
BẢN, PHÁT HÀNH “BÁO ẢNH DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI” SONG NGỮ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ qui định
chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà
nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ qui
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
công văn số 10473/VPCP-KTTH ngày 20/12/2012 của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành
chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy
định cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện xuất bản “Báo ảnh Dân tộc và
Miền núi” song ngữ cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số có chữ viết giai đoạn 2013
- 2015 như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn việc
quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện xuất bản, phát hành “Báo ảnh Dân
tộc và Miền núi” song ngữ đối với một số dân tộc thiểu số có chữ viết được Nhà
nước công nhận.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có đồng bào dân tộc có chữ viết đã được Nhà nước
công nhận;
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên
quan đến việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện xuất bản, phát hành
“Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ.
Điều 2. Về đối tượng và mức
nhận “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
1. Ở Trung ương:
a) Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung
ương, các Ban Chỉ đạo: Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng
Dân tộc của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền
thông: mỗi đơn vị 02 cuốn/kỳ/ một ấn phẩm song ngữ (sau đây gọi tắt là song ngữ);
b) Thư viện quốc gia cấp 05 cuốn/kỳ/song ngữ.
2. Cấp tỉnh:
a) Ban Dân tộc tỉnh, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch,
Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh: mỗi đơn
vị 02 cuốn/kỳ/song ngữ;
b) Trường học, thư viện tỉnh: mỗi đơn vị cấp 05
cuốn/kỳ/song ngữ;
c) Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại các tỉnh, đội
công tác 123 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh), cán bộ biên dịch và hiệu đính: mỗi đối
tượng 01 cuốn/kỳ/song ngữ.
3. Cấp huyện:
a) Thư viện huyện, nhà văn hóa huyện, mỗi đơn vị
cấp 05 cuốn/kỳ/song ngữ;
b) Phòng Dân tộc huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện,
phòng Giáo dục huyện, phòng Văn hóa huyện, Ban Tuyên giáo huyện: mỗi đơn vị 01
cuốn/kỳ/song ngữ.
4. Chùa Khmer, đồn biên phòng: mỗi đơn vị được cấp
03 cuốn/kỳ/song ngữ.
5. Các đối tượng khác: Lớp học, giáo viên dạy chữ
dân tộc thiểu số; Ủy ban nhân dân xã, Ban nhân dân thôn, bản, phum sóc; già
làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nhà Văn hóa xã, Bưu điện văn
hóa xã, nhà Văn hóa cộng đồng thôn bản, mỗi đối tượng 01 cuốn/kỳ/song ngữ.
6. Nộp lưu chiểu: Theo quy định hiện hành.
Điều 3. Về quy cách, chất lượng,
nội dung ấn phẩm “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
1. Hình thức:
Khuôn khổ: 20,5 x 28,5 cm.
Giấy ruột và giấy bìa: in màu trên giấy Couches
100g/m2.
100% ảnh màu, rõ nét.
Số trang của ấn phẩm: 48 trang.
Số kỳ: 01/tháng.
2. Nội dung:
Thể hiện bằng chữ viết phổ thông và chữ của các
dân tộc thiểu số có chữ viết; nội dung có phạm vi toàn quốc, có tính chuyên sâu
về vùng dân tộc; bài viết ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu dễ nhớ; các chủ đề được thể
hiện rõ ràng có tính định hướng cao, chú thích đủ các thông tin cần thiết.
Điều 4. Xuất bản, phát hành,
quản lý và sử dụng “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
1. Hàng năm, căn cứ đối tượng được cấp “Báo ảnh
Dân tộc và Miền núi” song ngữ quy định tại Điều 2, các Bộ,
ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng
hợp danh sách đối tượng được nhận ấn phẩm thuộc phạm vi quản lý gửi Thông tấn
xã Việt Nam xét duyệt trước ngày 30 tháng 6 để làm căn cứ thẩm định số lượng cần
xuất bản, phát hành năm sau, nhưng tối đa không vượt quá số lượng xuất bản của
từng song ngữ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Trên cơ sở danh sách đối tượng nêu tại khoản
1 Điều này, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện xuất bản; Công ty Phát hành báo chí
Trung ương (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền
thông) có trách nhiệm phát hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ bảo đảm
đủ số lượng, kịp thời gian, đúng địa chỉ theo danh sách đã duyệt, có xác nhận của
các đơn vị tham gia phát hành theo hợp đồng kinh tế ký kết giữa hai cơ quan.
3. Quản lý và sử dụng “Báo ảnh Dân tộc và Miền
núi” song ngữ (áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2
của Thông tư này).
Ở Trung ương:
Các Bộ, ngành và các tổ chức được cấp ấn phẩm có
trách nhiệm quản lý, sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo
và tuyên truyền phổ biến cho đồng bào nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Ấn phẩm “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
cấp cho các địa phương:
- Cá nhân được cấp có trách nhiệm quản lý,
sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo
và tuyên truyền phổ biến cho đồng bào nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa
phương, ngoài ra còn có trách nhiệm đưa xuống cơ sở để mọi người cùng
đọc;
- Các địa phương có thư viện, phòng đọc, điểm
bưu điện văn hóa cần tập trung các ấn phẩm báo,tạp chí để đồng bào có điều
kiện đến đọc hoặc sử dụng phương thức “đọc to, nghe chung”. Những địa bàn có trạm
truyền thanh thì đọc trong các chương trình truyền thanh.
c) Ấn phẩm “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
cấp cho các đồn, trạm, đội biên phòng, đội công tác 123: các đơn vị tự bảo quản
và tổ chức phòng đọc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận thông tin,
nâng cao năng lực tuyên truyền vận động quần chúng.
d) Ấn phẩm “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
cấp cho các trường, lớp học, đưa về lớp để đọc trong các buổi sinh hoạt lớp,
sau đó chuyển về thư viện của trường. Nhà trường có trách nhiệm ban hành
quy định cụ thể việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất để tất cả học
sinh đều được đọc, được xem, được nghe.
Điều 5. Nội dung chi và mức
chi
1. Nội dung chi:
a) Chi phí in (giấy, công in, đóng xén, hoàn chỉnh
sản phẩm in “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ thực hiện theo pháp luật về
đấu thầu . Trong trường hợp mỗi vùng dân tộc có chữ viết được xuất bản “Báo ảnh
Dân tộc và Miền núi” song ngữ chỉ có một nhà in đủ năng lực để in các báo song
ngữ, Thông tấn xã Việt Nam được chỉ định cơ sở in, nhưng phải tuân thủ theo quy
định hiện hành về chỉ định thầu.
b) Chi nhuận bút tin, bài, ảnh (bao gồm nhuận
bút tin, bài, ảnh tiếng Việt và nhuận bút tin, bài, ảnh chữ dân tộc);
c) Chi dịch, biên tập và hiệu đính bản dịch, thù
lao cố vấn “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ;
d) Chi cho các công việc liên quan đến tổ chức bản
thảo, bao gồm: xây dựng, lên chương trình nội dung toàn bộ ấn phẩm; biên tập, đọc
duyệt, thiết kế trang báo, biên tập kỹ thuật, biên tập mỹ thuật, chế bản ảnh,
mi trang, sửa bản in, in bông toàn bộ ấn phẩm (cả phần tiếng Việt và các ngữ
dân tộc), ký duyệt bông;
đ) Chi cho công tác quản lý của tòa soạn. Bao gồm:
văn phòng phẩm, vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ cho Tòa soạn “Báo ảnh Dân tộc và
Miền núi” song ngữ; chi xăng xe cho các phóng viên, biên tập viên thuộc Tòa soạn;
chi bốc xếp, vận chuyển, giao nhận báo; chi kiểm định giấy;
e) Chi tập huấn nghiệp vụ, hội nghị cộng tác
viên;
g) Chi trả công hợp đồng lao động (nếu có);
h) Chi phát hành, vận chuyển báo đến tay độc giả,
đơn vị thụ hưởng;
i) Chi khác liên quan đến quản lý xuất bản, phát
hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi”.
2. Mức chi:
a) Chi giấy, công in, đóng xén, hoàn chỉnh sản
phẩm in Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ: căn cứ hoá đơn, chứng từ hợp lệ
trên cơ sở định mức chi tiêu và phù hợp với giá cả thị trường;
b) Chi nhuận bút tin, bài, ảnh (bao gồm nhuận
bút tin, bài, ảnh tiếng Việt và nhuận bút tin, bài chữ dân tộc); chi dịch, biên
tập và hiệu đính bản dịch, thù lao cố vấn: thực hiện theo Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/06/2002 của Chính phủ về
chế độ nhuận bút và các văn bản bổ sung, sửa đổi (nếu có);
c) Chi tập huấn nghiệp vụ, hội nghị cộng tác
viên, công tác phí: thực hiện theo quy định tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính
quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các
cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Chi cho các công việc liên quan đến tổ chức bản
thảo, bao gồm: xây dựng, lên chương trình nội dung toàn bộ ấn phẩm; biên tập, đọc
duyệt, thiết kế trang báo (makest), biên tập kỹ thuật, biên tập mỹ thuật, chế bản
ảnh, mi trang, sửa bản in, in bông toàn bộ ấn phẩm (cả phần tiếng Việt và các
ngữ dân tộc), ký duyệt bông theo thực tế phát sinh và trên cơ sở mức chi đã được
liên ngành Tài chính - Vật giá thẩm định;
đ) Chi cho công tác quản lý của tòa soạn, bao gồm:
văn phòng phẩm, vật rẻ tiền mau hỏng; chi xăng xe cho các phóng viên, biên tập
viên thuộc Tòa soạn, chi bốc xếp, vận chuyển, giao nhận báo; kiểm định giấy thực
hiện theo quy định hiện hành;
e) Chi trả công hợp đồng lao động: theo thực tế
phát sinh, nhưng trong khuôn khổ dự toán được duyệt;
i) Chi phát hành, vận chuyển báo đến tay độc giả,
đơn vị thụ hưởng : Mức chi căn cứ số lượng báo được phát hành và giá cước của
các đơn vị chuyển phát được giao nhiệm vụ phát hành sản phẩm công ích theo quy
định tại Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg ngày 08/8/2011
của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản
lý mạng bưu chính cộng cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu
chính quốc tế;
k) Chi tổ chức khảo sát, kiểm tra công tác phát
hành: theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí quy định tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính
và các chi phí phát sinh theo thực tế;
3.Tất cả các nội dung và mức chi nêu trên chỉ được
thực hiện trong phạm vi khuôn khổ dự toán đã được liên ngành Tài chính - Vật
giá thẩm định hàng năm.
Điều 6. Nguồn kinh phí và lập
dự toán kinh phí
1. Kinh phí thực hiện xuất bản “Báo ảnh Dân tộc
và Miền núi” song ngữ cho đồng bào một số dân tộc thiểu số có chữ viết do ngân
sách Trung ương đảm bảo và được bố trí trong chi ngân sách thường xuyên hàng
năm của Thông tấn xã Việt Nam.
2. Việc lập, phân bổ, giao dự toán kinh phí Nhà
nước cấp (không thu tiền) “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ thực hiện theo
quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các
văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước.
3. Căn cứ đối tượng quy định tại Điều
2, Thông tấn xã Việt Nam lập dự toán kinh phí thực hiện cấp (không thu
tiền) “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ, tổng hợp trong dự toán chi ngân
sách nhà nước thường xuyên của Thông tấn xã Việt Nam gửi Bộ Tài chính tổng hợp,
thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt.
4. Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền
giao, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện xuất bản và ký hợp đồng với Công ty Phát
hành báo chí Trung ương để phát hành ấn phẩm “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song
ngữ đến các đối tượng quy định tại Điều 2 nhanh chóng, kịp
thời.
Điều 7. Quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí xuất bản, phát hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
1. Thông tấn xã Việt Nam và Công ty Phát hành
báo chí Trung ương hạch toán riêng phần ngân sách nhà nước xuất bản, phát hành
“Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ theo chế độ kế toán hiện hành, thực hiện
các nghĩa vụ tài chính (nếu có) theo quy định.
2. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
xuất bản, phát hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ theo quy định tại
Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
3. Thông tấn xã Việt Nam có trách nhiệm xét duyệt
quyết toán phần kinh phí thực hiện xuất bản, phát hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền
núi” song ngữ cùng với quyết toán chi thường xuyên của Thông tấn xã Việt Nam gửi
Bộ Tài chính thẩm định theo quy định Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
4. Kinh phí xuất bản, phát hành “Báo ảnh Dân tộc
và Miền núi” song ngữ bố trí trong dự toán ngân sách năm nào được thực hiện và
quyết toán vào ngân sách năm đó. Cuối năm số dư dự toán không sử dụng hết (nếu
có) thực hiện theo quy định hiện hành về xử lý ngân sách nhà nước cuối năm.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1.Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
25 tháng 12 năm 2013 và được áp dụng từ năm ngân sách năm 2013 trở
đi.
2.Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có
vướng mắc, đề nghị Thông tấn xã Việt Nam phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để
nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTCP;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng TW và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VP BCĐ phòng, chống tham nhũng TW;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND, thành phố trực thuộc TW;
- Website Chính phủ; Công báo, Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT,Vụ HCSN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Minh
|