Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 14-TC/CNXD-1974 hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận Xí nghiệp Công nghiệp quốc doanh, kèm theo Nghị định 236-CP-1970 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14-TC/CNXD
Ngày ban hành 01/08/1974
Ngày có hiệu lực 16/08/1974
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đào Thiện Thi
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-----

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số : 14-TC/CNXD

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1974

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH, BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 236-CP NGÀY 10-12-1970 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ [1]

Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 236-CP ban hành Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 165-TTg ngày 10-6-1971 về việc thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, qua một năm thí điểm. Hội đồng Chính phủ ra thông tư số 88-CP ngày 2-5-1972 về việc sửa đổi và bổ sung những quy định cụ thể về phân phối lợi nhuận và trích lập 3 quỹ trong điều lệ tạm thời phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh[2].

Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành cụ thể các văn kiện trên của Chính phủ như sau.

Phần thứ nhất

LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

I. LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP

1. Nội dung cụ thể về lợi nhuận xí nghiệp đã được quy định ở các điều 3, 5, 6, 7 của Điều lệ tạm thời về phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Riêng về lợi nhuận kế hoạch cần hiểu đầy đủ là số lợi nhuận kế hoạch của xí nghiệp về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn số kiểm tra của Nhà nước (Bộ chủ quản) giao cho xí nghiệp. Nhà nước khuyến khích xí nghiệp xây dựng lợi nhuận kế hoạch cao hơn số kiểm tra của Nhà nước  - đó là lợi nhuận kế hoạch đăng ký cao.

Lợi nhuận kế hoạch (kể cả lợi nhuận đăng ký cao) được cơ quan quản lý cấp trên (có thẩm quyền) xét duyệt là chi tiêu pháp lệnh.

2. Đối với các xí nghiệp được duyệt là không có lãi hoặc có kế hoạch lỗ (lỗ do chính sách giá cả của Nhà nước hay do nguyên nhân khác được Nhà nước công nhận) thì chi tiêu lợi nhuận kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch là như sau:

- “Số hạ giá thành kế hoạch so với giá thành thực tế năm trước được coi như lợi nhuận kế hoạch” (điều 10 của Điều lệ tạm thời).

- “Số tiết kiệm do hạ giá thành thực tế được nhiều hơn so với giá thành kế hoạch được coi như lợi nhuận vượt kế hoạch” (điều 12 của Điều lệ tạm thời).

3. Để áp dụng chính sách phân phối lợi nhuận có phân biệt khác nhau, khi tính toán lợi nhuận kế hoạch cũng như khi hạch toán lợi nhuận thực tế, cần phân biệt:

- Phần lợi nhuận kinh doanh cơ bản, phần lợi nhuận ngoài kinh doanh cơ bản và các khoản lợi nhuận khác;

- Phần lợi nhuận do tiêu thụ hàng hóa sản xuất bằng phế liệu.

II. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP

1. Lợi nhuận xí nghiệp phân phối như sau:

- Trích nộp ngân sách Nhà nước;

- Trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất;

- Trích lập quỹ khen thưởng;

- Trích lập quỹ phúc lợi;

- Tham gia đầu tư vốn cố định theo kế hoạch;

- Bổ sung vốn lưu động định mức cần tăng thêm theo kế hoạch;

- Trả nợ vay ngân hàng để cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất (trích từ lợi nhuận vượt kế hoạch).

2. Lợi nhuận kế hoạch phân phối có phân biệt theo hai trường hợp sau đây:

a) Nếu lợi nhuận kế hoạch được duyệt theo số kiểm tra, thì phân phối như sau:

- Trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, (xem quy định ở Phần thứ hai, mục I sau đây, nói về trích lập và sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất);

[...]