Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 14/1999/TT-BTP về việc xét chọn danh hiệu Anh hùng lao động trong ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 14/1999/TT-BTP
Ngày ban hành 28/10/1999
Ngày có hiệu lực 12/11/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Văn Sản
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/1999/TT-BTP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 14/1999/TT-BTP NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC XÉT CHỌN DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH TƯ PHÁP

Căn cứ Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 6 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới;
Sau khi trao đổi với Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc xét chọn danh hiệu Anh hùng Lao động trong ngành Tư pháp như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG XÉT CHỌN DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG

1. Cá nhân đang công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án, Toà án nhân dân địa phương và Giám đốc Sở Tư pháp.

2. Các tập thể trong ngành Tư pháp bao gồm các đơn vị cơ sở và các tập thể nhỏ thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp trong đơn vị cơ sở:

2.1. Các đơn vị cơ sở: cơ quan Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Báo Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp;

2.2. Tập thể nhỏ trong các đơn vị cơ sở là đơn vị thành viên của đơn vị cơ sở: các Vụ, Cục, Viện, Tạp chí, Thanh tra Bộ và Văn phòng thuộc cơ quan Bộ; các Khoa, Phòng và các đơn vị thuộc các Trường; các đơn vị thuộc Báo Pháp luật; các Toà và đơn vị thuộc Toà án nhân dân cấp tỉnh. Do đặc thù quản lý ngành, Phòng thi hành án, các Đội thi hành án, các Toà án nhân dân cấp huyện được hiểu thống nhất là các tập thể nhỏ của Sở Tư pháp.

II. TIÊU CHUẨN

1. Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động đối với cá nhân:

Cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động phải đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1.1. Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, có sáng tạo trong công tác đạt chất lượng và hiệu quả công tác xuất sắc nhất trong ngành Tư pháp; là tấm gương tiêu biểu và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành Tư pháp và đất nước;

1.2. Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học Pháp lý hoặc vận dụng khoa học pháp lý vào điều kiện thực tế; có sáng kiến mới hoặc giải pháp có giá trị trong công tác tư pháp, hoặc có công trình khoa học pháp lý nổi tiếng, có giá trị đặc biệt được ứng dụng vào công tác tư pháp đem lại hiệu quả cao;

1.3. Có trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý giỏi. Có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo hoặc truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp và cán bộ trẻ trong ngành;

1.4. Có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc được giao, thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Gương mẫu trong việc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần hợp tác tương trợ; là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong tập thể; là tấm gương trong xây dựng cuộc sống gia đình có văn hoá.

Khi xem xét thành tích của cá nhân cần chú ý xem xét đủ 4 tiêu chuẩn nêu trên đây, không được coi nhẹ tiêu chuẩn nào. Cả 4 tiêu chuẩn hoà quyện vào nhau đưa cá nhân trở thành người mẫu mực, có công lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Khi xét thành tích phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cá nhân cần coi trọng việc xét bề dầy thành tích của cá nhân; chú trọng các tài năng trẻ không ngại khó khăn, dám nghĩ, dám làm trong việc thực hiện các công tác mới hoặc các công tác trọng tâm, đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc, nêu tấm gương sáng cho cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp.

2. Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động đối với tập thể:

Tập thể nhỏ, đơn vị cơ sở được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động phải đạt các tiêu chuẩn sau đây:

2.1. Là tập thể đi đầu ngành Tư pháp trong toàn quốc về các chỉ tiêu thi đua, chất lượng hiệu quả công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước;

2.2. Đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến, đổi mới việc tổ chức thực hiện các công tác Tư pháp;

2.3. Đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức; là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý để các tập thể khác noi theo;

2.4. Đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước: triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức tham gia quản lý đơn vị và thực hiện tốt Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Tập thể đoàn kết nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức chính quyền và các tổ chức quần chúng trong cơ quan vững mạnh toàn diện. Quản lý tốt ngân sách, tài sản được giao quản lý; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức trong đơn vị. Tập thể được chính quyền, nhân dân địa phương tin tưởng và ca ngợi.

Khi xem xét thành tích của tập thể cần chú ý xem xét đủ 4 tiêu chuẩn nêu trên đây, không được coi nhẹ tiêu chuẩn nào. Cả 4 tiêu chuẩn hoà quyện vào nhau đưa tập thể trở thành tập thể dẫn đầu và mẫu mực trong ngành Tư pháp, có công lớn đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc trong thời kỳ đổi mới,

Khi xét thành tích phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể cần coi trọng việc xét bề dầy thành tích của tập thể, chú trọng các tập thể dẫn đầu trong việc tổ chức thực hiện các công tác mới hoặc các công tác trọng tâm, đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc, nêu tấm gương sáng cho các tập thể khác trong ngành Tư pháp.

III. THỜI GIAN XÉT THÀNH TÍCH; QUY TRÌNH THỦ TỤC XÉT CHỌN VÀ HỒ SƠ TRÌNH XÉT CHỌN DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG

1. Thời gian xét thành tích.

Thời gian xét chọn tính từ năm 1986, khi Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, trong đó chủ yếu là thành tích từ năm 1990 đến đầu năm 2000.

[...]