Thông tư 126/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 126/2018/TT-BTC
Ngày ban hành 26/12/2018
Ngày có hiệu lực 11/02/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025”

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-Ttg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-Ttg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (sau đây viết tắt là Đề án) được quy định tại Quyết định số 1665/QĐ-Ttg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1665/QĐ-Ttg).

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng kinh phí sự nghiệp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án theo quy định tại Quyết định số 1665/QĐ-Ttg, gồm:

a) Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây viết tắt là các cơ sở giáo dục - đào tạo); học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo; cán bộ, giảng viên, giáo viên, người làm công tác hỗ trợ sinh viên trong các cơ sở giáo dục - đào tạo;

b) Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

c) Các Bộ, cơ quan trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án

1. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án

a) Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách); nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nguồn kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp lồng ghép trong Quyết định số 844/QĐ-Ttg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục - đào tạo;

c) Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí

a) Việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Điều 3. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

[...]