Thông tư 12-LĐ/TL năm 1958 hướng dẫn chế độ tiền lương và bổ sung các chế độ lao động của công nhân, cán bộ, nhân viên các công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 12-LĐ/TL
Ngày ban hành 12/05/1958
Ngày có hiệu lực 27/05/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-LĐ/TL

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG VÀ BỔ SUNG CÁC CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG CỦA CÔNG NHÂN, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT CƠ BẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên Khu 3,4, Khu Tự trị Việt bắc,
Thái mèo, Khu Tả ngạn, Hồng quảng, các thành phố Hà nội, Hải phòng;
-Ban Cán sự Lào Hà Yên
-Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các tỉnh và khu vực Vĩnh linh
-Các ông Giám đốc và Trưởng ty lao động
-Các vị Bộ trưởng các Bộ
-Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Căn cứ nghị định số 182-TTg ngày 7-4-1958 và nghị định số 215-TTg ngày 26-4-1958 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động đã ra nghị định số 32-LĐ-TL ngày 29-4-1958 ban hành chế độ tiền lương và các chế độ lao động cho công nhân, cán bộ, nhân viên làm việc ở các công trường kiến thiết cơ bản.

Bộ ra thông tư này nhằm ấn định chi tiết, giải thích và hướng dẫn thi hành nghị định nói trên.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA VIỆC TĂNG LƯƠNG, CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG VÀ CÁC CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG Ở CÁC CÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT CƠ BẢN.

Trong ba năm qua công nhân, cán bộ, nhân viên trên các công trường kiến thiết cơ bản đã ra sức thi đua sản xuất và xây dựng đóng góp một phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi về căn bản công cuộc khôi phục kinh tế,

Do yêu cầu của việc phát triển kinh tế theo kế hoạch dài hạn công tác kiến thiết cơ bản lại càng nặng nề và quan trọng hơn.

Song song với việc ban hành chế độ tiền lương mới cho cán bộ, công nhân, viên chức các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước. Chính phủ quyết định cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương cho công nhân, cán bộ, nhân viên các công trường kiến thiết cơ bản nhằm cải thiện một phần đời sống cho công nhân, cán bộ, nhân viên khuyến khích mọi người đẩy mạnh sản xuất và công tác ra sức phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Đi đôi với việc ban hành chế độ tiền lương, các chế độ lao động khác cũng được cải tiến một phần nhằm cải thiện điều kiện làm việc ăn, ở và bảo đảm an toàn lao động trên các công trường.

Căn cứ vào đặc điểm của các công trường, yêu cầu cụ thể của việc cải tiến chế độ tiền lương và các chế độ lao động khác trong ngành kiến thiết cơ bản là:

a) Chiếu cố tương đối thích đáng đến điều kiện lao động và tính chất công tác ở các công trường: địa điểm thi công lưu động phân tán, công tác phần lớn làm ngoài trời, dùng sức lao động nhiều, công nhân, cán bộ và nhân viên thường phải điều động từ khu vực này qua khu vực khác, do đó sinh hoạt của anh em không được ổn định như ở cơ quan và xí nghiệp khác.

b) Thống nhất về căn bản chế độ tiền lương, giảm bớt tính chất bình quân, xóa bỏ tình trạng chênh lệch không hợp lý về tiền lương giữa công nhân cố định và công nhân tạm thời của các công trường, giữa công nhân các công trường và công nhân các xí nghiệp khác.

c) Phân biệt đãi ngộ về quyền lợi xã hội và phúc lợi giữa công nhân cố định và công nhân tạm thời. Trong số công nhân tạm thời lại có phân biệt giữa những người tuyển từ các địa phương khác đến và những người thuê mướn tại chỗ.

Để đảm bảo thực hiện các yêu cầu nói trên, một điều quan trọng hiện nay trên các công trường kiến thiết cơ bản là phải phân loại lao động, tiến tới ổn định dần dần tổ chức lao động. Những người đã phục vụ lâu ngày (2,3 năm) trên các công trường do yêu cầu của công tác kiến thiết cơ bản phát triển xét thấy còn sử dụng lâu dài thì cần tuyển dụng vào lực lượng cố định như: đại bộ phận công nhân miền Nam, Thanh niên xung phong, bộ đội chuyển ngành v.v… Những người nào không thể tuyển vào lực lượng cố định được thì tùy theo yêu cầu công tác và thời gian mở công trường dài hay ngắn mà ký hợp đồng từng kỳ hạn (thí dụ: 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm v.v… )

II. CHẾ ĐỘ CẤP BẬC LƯƠNG

- Thang lương và mức lương

Căn cứ vào nghị định số 32-LD-TL ngày 29-4-1958 của Bộ Lao động, từ nay trên các công trường kiến thiết cơ bản sẽ áp dụng các thang lương dưới đây:

- Thang lương 7 bậc của công nhân chuyên nghiệp các công trường kiến thiết cơ bản

- Thang lương 4 bậc của công nhân không chuyên nghiệp các công trường kiến thiết cơ bản

- Thang lương nhân viên hành chính, quản lý công trường, xây dựng theo đặc điểm của các ngành.

- Thang lương nhân viên kỹ thuật (theo quy định thống nhất chung cho các cơ quan và xí nghiệp)

a) Thang lương 7 bậc của công nhân chuyên nghiệp các công trường kiến thiết cơ bản:

Trước đây, trên các công trường kiến thiết cơ bản đã dùng thang lương 8 bậc của công nhân kỹ thuật cơ khí các xí nghiệp công nghiệp để sắp xếp công nhân chuyên nghiệp kiến thiết cơ bản. Vì vậy việc trả lương cho những công nhân đó chưa chiếu cố đến điều kiện lao động và hoàn cảnh làm việc ở các công trường.

Căn cứ vào yêu cầu thực tế về kỹ thuật sản xuất, điều kiện lao động và tính chất công tác ở các công trường, lần này Bộ Lao động ban hành một thang lương riêng của công nhân chuyên nghiệp kiến thiết cơ bản. Thang lương này gồm có 7 bậc, từ bậc 1 (thấp nhất) mức lương 35.300đ, đến bậc 7 (cao nhất) mức lương 81.700đ gấp 2, 31 lần so với mức lương bậc 1.

Thang lương này áp dụng cho tất cả công nhân chuyên nghiệp kiến thiết cơ bản không phân biệt công nhân cố định hay công nhân tạm thời (trừ công nhân thuê mượn tại chỗ), công nhân hưởng chế độ lương kháng chiến hay chế độ nguyên lương, để thống nhất đãi ngộ theo nghề nghiệp dựa trên nguyên tắc “trình độ nghề nghiệp như nhau, làm việc như nhau thì hưởng lương như nhau” đồng thời để cho việc định mức và đơn giá trong việc thực hiện chế độ thưởng tăng năng suất và chế độ lương theo sản phẩm (lương khoán) được thống nhất.

Thực hành thống nhất một chế độ tiền lương cho công nhân chuyên nghiệp kiến thiết cơ bản sẽ khuyến khích mọi người ra sức học tập trau dồi nghề nghiệp và phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đồng thời tăng cường đoàn kết trong nội bộ công nhân.

[...]