Chỉ thị 1000-TTg năm 1956 về việc bổ sung chế độ đối với cán bộ, đồng bào miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1000-TTg
Ngày ban hành 09/08/1956
Ngày có hiệu lực 24/08/1956
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phan Kế Toại
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1000-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 1956 

 

CHỈ THỊ

BỔ SUNG CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO MIỀN NAM

Xét tình hình sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, đồng bào miền Nam gần đây, và dựa vào nguyện vọng của anh chị em, nay quy định các chế độ cụ thể sau đây:

I. - ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO MIỀN NAM Ở CÔNG TRƯỜNG

1) Việc sử dụng:

Các Bộ nào có cán bộ, đồng bào miền Nam phải có kế hoạch sử dụng lâu dài. Những công trường thuộc Bộ Thuỷ lợi Kiến trúc, Tổng cục Đường sắt, lúc làm xong nhiệm vụ phải báo trước cho Bộ Lao động biết để Bộ Lao động cùng Bộ Nông lâm, Bộ Công nghiệp, v.v... bố trí công tác, Chính phủ hết sức chú trọng việc đưa cán bộ, đồng bào miền Nam vào các công tác có tính cách ổn định, thường xuyên, vào các biên chế của nông trường, xí nghiệp, doanh nghiệp, các đội công trình chuyên nghiệp, v.v... Bộ Lao động có trách nhiệm làm kế hoạch và phối hợp với các Bộ để dần dần thực hiện chủ trương nói trên.

Trong lúc hết việc không nên để cho anh chị em ở không, mà nên tìm công việc (dù tạm thời) và bố trí cho anh chị em làm. Trường hợp phải chờ đợi một ít ngày để chuyển qua ngành khác, thì những ngày chờ đợi ấy, ngành cũ phải đài thọ mọi quyền lợi cho anh chị em.

Những anh chị em công tác ở các công trường khí hậu xấu, xét điều kiện sức khỏe không thể công tác được, thì ngành sở quan có nhiệm vụ chuyển dần dần anh chị em về miền xuôi. Việc này phải tiến hành có kế hoạch, có phối hợp chặt chẽ giữa công trường cũ và ngành sử dụng mới.

Đối với ngành Hỏa xa, những anh chị em đã vào biên chế, xét những người nào điều kiện sức khỏe không chịu đựng được công tác ở vùng khí hậu xấu thì cho đổi về miền xuôi.

2) Việc chăm sóc sức khỏe:

Việc chăm lo sức khỏe cũng như việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và đồng bào miền Nam phải được coi trọng. Đối với những anh chị em đau yếu ở các công trường và nông trường, phải tiến hành phân loại và chăm sóc như sau:

a) Loại an dưỡng: Đối với những anh chị em già, yếu, mất sức lao động, xét không còn đủ sức khỏe để làm việc, cả đến công tác nhẹ (như tiêu chuẩn của Bộ Cứu tế xã hội đã quy định) thì các ngành, các Bộ lập danh sách gửi cho Bộ Cứu tế xã hội xét duyệt và thu nhận vào các trại an dưỡng.

Các trại an dưỡng nên tổ chức theo nguyên tắc phân tán nhỏ, có cơ sở sản xuất, dựa vào nông thôn và chính quyền địa phương có nhiệm vụ giúp đỡ.

Phụ cấp an dưỡng ấn định mỗi tháng là 25.000đ chia ra như sau:

- Ăn .................................... 13.000đ

- Quần áo do trại may ........     3.000đ

- Phát tiền tiêu vặt ................1.000đ                       

Tiền thuốc và bồi dưỡng cấp theo như chế độ áp dụng đối với cán bộ ở cơ quan.

b) Loại điều dưỡng: Đối với những anh chị em đau bệnh kinh niên, yếu sức, cần nghỉ ngơi bồi dưỡng một thời gian để lấy lại sức khỏe mới công tác được (như tiêu chuẩn của Bộ Cứu tế xã hội đã quy định) thì các ngành, các Bộ lập danh sách gửi cho Bộ Cứu tế xã hội, Ủy ban hành chính liên khu (hoặc tỉnh) xét duyệt và thu nhận vào các trại điều dưỡng ở trung ương, ở liên khu hoặc ở tỉnh.

Phụ cấp điều dưỡng ấn định mỗi tháng là 31.000đ chia ra như sau:

- Ăn ...................................... 24.000đ

- Quần áo ..............................  3.000đ

- Tiêu vặt ..............................  4.000đ

Tiền thuốc mỗi ngày 400đ và bồi dưỡng bệnh nặng mỗi ngày 200đ.

Bộ Cứu tế xã hội dự trù kinh phí vá quản lý các trại điều dưỡng; nếu trại thành lập ở khu, tỉnh thì do Ủy ban hành chính khu, tỉnh quản lý.

Sau khi đã vào trại điều dưỡng, những anh chị em ở trong biên chế của nông trường thì cắt kinh phí; những anh chị em ở trong biên chế của công trường thì cắt kinh phí và biên chế. Một tháng trước khi có người đã bị cắt biên chế ra trại thì Ban quản trị trại điều dưỡng có nhiệm vụ báo cho Bộ Lao động hoặc Khu, Ty Lao động biết để bố trí công tác, tránh cho anh chị em lúc ra khỏi phải nằm chờ.

c) Loại điều trị: Những anh chị em đau ốm dù mắc bệnh cấp tính hay bệnh kinh niên, mà xét ở đơn vị, ở trạm xá không thể điều trị lành mạnh được thì phải đưa đi bệnh viện để điều trị.

Các bệnh viện ở khu, tỉnh và Hà-nội và các bệnh viện của các ngành cần mở rộng và tăng thêm một số giường bệnh để thu nhận những anh chị em miền Nam cần điều trị.

[...]