Thông tư 12/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 146/2005/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 12/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 21/02/2006
Ngày có hiệu lực 28/03/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 146/2005/NĐ-CP NGÀY 23/11/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Thi hành Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:

CHƯƠNG I: CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức tín dụng được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12  năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004.

Thông tư này không áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Hoạt động tài chính của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12  năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004, Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính khác có liên quan.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý Nhà nước về việc thực hiện chế độ tài chính của tổ chức tín dụng.

CHƯƠNG II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN

1. Vốn điều lệ là số vốn ghi trong điều lệ của tổ chức tín dụng.

2. Vốn điều lệ thực có quy định tại Điều 6 Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 của Chính phủ là số vốn điều lệ phản ánh trên sổ kế toán của tổ chức tín dụng.

3. Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành (nếu có).

4. Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ chuyển đổi báo cáo tài chính của cơ sở nước ngoài hoạt động độc lập, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn thành đối với cơ sở mới thành lập được phản ánh luỹ kế trong nguồn vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng theo qui định của chuẩn mực kế toán.

5. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với từng trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản.

6. Tổ chức tín dụng được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12  năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Tổ chức tín dụng được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn tự có cấp một theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

7. Khi bị tổn thất về tài sản, tổ chức tín dụng phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

- Nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) tổ chức tín dụng quyết định mức bồi thường theo qui định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

- Sử dụng các khoản dự phòng được trích lập trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật.

- Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của tổ chức tín dụng. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch  toán vào chi phí khác trong kỳ.

8. Cho thuê, thế chấp, cầm cố, nhượng bán, thanh lý tài sản:

8.1. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản.

- Tổ chức tín dụng được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của tổ chức tín dụng theo qui định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật bảo đảm có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn.

- Đối với các tài sản cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam.

8.2. Nhượng bán tài sản.

- Tổ chức tín dụng được nhượng bán tài sản để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn.

- Việc nhượng bán tài sản của các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện theo qui định của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước.

[...]