Thông tư 101/2008/TT-BQP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 101/2008/TT-BQP
Ngày ban hành 09/07/2008
Ngày có hiệu lực 08/08/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 101/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Ngày 31 tháng 10 năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2006/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi là Nghị định số 129/2006/NĐ-CP); ngày 02 tháng 4 năm 2008 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Quy chế biên giới, Quy chế khu vực biên giới, Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển) mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định số 129/2006/NĐ-CP phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

1.2. Phạm vi khu vực biên giới đất liền bao gồm các xã, phường, thị trấn có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền quy định tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 34/2000/NĐ-CP).

1.3. Phạm vi khu vực biên giới biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo được quy định tại Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển (sau đây gọi là Nghị định số 161/2003/NĐ-CP).

1.4. Khu vực cửa khẩu bao gồm khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển:

- Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền là các khu vực cụ thể được quy định tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi là Nghị định số 32/2005/NĐ-CP).

- Cảng biển bao gồm vùng đất và vùng nước cảng được quy định tại Điều 5 Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

2.1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2.2. Người chưa thành niên vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

3.1. Người có hành vi vi phạm thuộc tình thế cấp thiết.

3.2. Người có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

3.3. Người thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất ngờ.

3.4. Người thực hiện vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

3.5. Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

3.6. Hết thời hiện xử phạt theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP.

3.7. Hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội.

4. Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

4.1. Phạt cảnh cáo

Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng chủ yếu đối với cư dân cư trú ở khu vực biên giới có trình độ văn hóa xã hội còn hạn chế, động cơ, mục đích vi phạm do không hiểu biết hoặc nhận thức không đầy đủ mà vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc có hoàn cảnh khó khăn được Ủy ban nhân dân nơi cư trú xác nhận.

4.2. Phạt tiền

Nghị định số 129/2006/NĐ-CP quy định mức tiền phạt tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng. Khi áp dụng hình thức phạt tiền phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đối tượng cụ thể để quyết định mức xử phạt cho phù hợp.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống, nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể được tăng lên, nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

[...]