Thông tư 101/2005/TT-BTC hướng dẫn công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 101/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 17/11/2005
Ngày có hiệu lực 14/12/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 101/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC KHOÁ SỔ KẾ TOÁN CUỐI NĂM VÀ LẬP, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HÀNG NĂM

Công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính, Quyết định số 130/2003/QĐ-BTC ngày 18/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước, Thông tư số 10/2004/TT-BTC ngày 19/2/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp, Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, thẩm định quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm.

Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm về công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm như sau:

I/ CÔNG TÁC KHOÁ SỔ KẾ TOÁN CUỐI NĂM:

1/ Thời hạn cuối cùng chi ngân sách đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm được quy định tại  điểm 4.2.1 Mục V Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc dự toán ngân sách hàng năm, được phép kéo dài thời gian chi đến hết ngày 31/01 năm sau để thanh toán cho khối lượng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đã thực hiện đến hết ngày 31/12 năm trước, đủ điều kiện thanh toán theo chế độ quy định và quyết toán vào niên độ ngân sách năm trước; trừ các trường hợp được thực hiện theo quy định tại điểm 4.3 và điểm 6 Mục I Thông tư này.

2/ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn công trái giáo dục để kiên cố hoá trường, lớp học; nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi... trọng điểm còn lại của năm trước chưa chi hết trong thời hạn quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư này, được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo mục tiêu quy định.

3/ Tồn quỹ tiền mặt và số dư tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách có nguồn từ ngân sách nhà nước đến cuối ngày 31 tháng 12, được xử lý như sau:

3.1- Tồn quỹ tiền mặt phải nộp trả ngân sách tại Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch chậm nhất hết ngày 10/1 năm sau; trừ các khoản phải chi theo chế độ nhưng chưa chi (tiền lương, phụ cấp lương, các khoản trợ cấp cho các đối tượng theo chế độ, học bổng học sinh, sinh viên) và các trường hợp quy định tại điểm 3.3, điểm 3.4 và điểm 3.5 Mục I Thông tư này. Khi nộp, đơn vị kê rõ số tiền nộp theo Chương, Loại, Khoản, Mục, Tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước để đơn vị và Kho bạc nhà nước hạch toán giảm chi ngân sách năm trước.

3.2- Số dư tài khoản tiền gửi có nguồn từ ngân sách phải nộp giảm chi ngân sách nhà nước, trừ các trường hợp nêu tại điểm 3.3, điểm 3.4 và điểm 3.5 Mục I Thông tư này.

Số dư tài khoản tiền gửi của các trường hợp nêu tại điểm 3.3 Mục I Thông tư này được tiếp tục sử dụng đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán của mỗi cấp ngân sách và quyết toán vào ngân sách năm trước. Hết thời gian chỉnh lý quyết toán, nếu vẫn còn còn dư, được phép chuyển năm sau sử dụng và quyết toán vào ngân sách năm sau. Đơn vị sử dụng ngân sách báo cáo Kho bạc nhà nước nơi giao dịch (chi tiết theo Chương, Loại, Khoản, Mục và Tiểu mục) để Kho bạc nhà nước tổng hợp theo đơn vị dự toán cấp I, gửi cơ quan tài chính cùng cấp trong phạm vi 45 ngày sau khi hết thời gian chỉnh lý quyết toán của từng cấp ngân sách để làm thủ tục giảm chi năm trước, chuyển nguồn sang năm sau.

3.3- Tồn quỹ tiền mặt, số dư tài khoản tiền gửi của các trường hợp sau đây được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chế độ quy định, gồm:

a/ Kinh phí khoán chi của các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện khoán, tự chủ biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định của Chính phủ;

b/ Kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ;

c/ Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong thời gian thực hiện chương trình, dự án, đề tài được cấp có thẩm quyền giao hoặc hợp đồng ký kết với Chủ nhiệm chương trình;

d/ Kinh phí hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

e/ Kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm công trình văn hoá - nghệ thuật, báo chí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 29/8/2003 của liên bộ Bộ Văn hoá thông tin- Bộ Tài chính (không gồm kinh phí hỗ trợ hoạt động thường xuyên);

g/ Kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý;

h/ Các khoản kinh phí khác được phép chuyển sang năm sau sử dụng theo chế độ quy định.

3.4- Số dư tiền mặt, số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2004/TTLT-BTC-BQP ngày 26/3/2004 của liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng và Thông tư liên tịch số 54/2004/TTLT-BTC-BCA ngày 10/6/2004 của liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Công An.

3.5- Số dư tiền mặt, số dư tài khoản tiền gửi của ngân sách cấp xã được chuyển sang năm sau sử dụng theo chế độ quy định.

4/ Về xử lý số dư dự toán:

4.1- Các nhiệm vụ chi thường xuyên được bố trí trong dự toán ngân sách năm nào chỉ được chi trong năm ngân sách đó. Sau thời hạn chi ngân sách quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư này, dự toán giao cho đơn vị chưa chi hết (gọi là số dư dự toán) không được chi tiếp; trừ các trường hợp nêu tại điểm 4.2 Mục I Thông tư này và các trường hợp đặc biệt được phép chi tiếp theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với ngân sách trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan tài chính được uỷ quyền (đối với ngân sách địa phương) theo quy định tại điểm 4.1.3 Mục V Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính.

Các trường hợp cần xét chuyển số dư dự toán thực hiện như sau:

- Các đơn vị sử dụng ngân sách có văn bản kèm theo tài liệu liên quan và xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi giao dịch (bản chính) theo Biểu số 01/ĐVDT ban hành kèm theo Thông tư này gửi đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị dự toán cấp I tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xét chuyển (kèm theo tài liệu liên quan, bản tổng hợp số dư dự toán của từng đơn vị sử dụng ngân sách và bản xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch- bản chính).

- Thời hạn đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương gửi hồ sơ đề nghị xét chuyển về Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 15/2 năm sau; thời hạn Bộ Tài chính xem xét, giải quyết xong trước ngày 01/3 năm sau. Thời hạn gửi hồ sơ xét chuyển và thời hạn xem xét, giải quyết đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định, nhưng phải đảm bảo thời hạn lập quyết toán của mỗi cấp ngân sách theo quy định.

- Trường hợp cơ quan tài chính chấp nhận cho chuyển số dư dự toán sang năm sau chi tiếp, nếu thực hiện trong thời gian chỉnh lý quyết toán của từng cấp ngân sách thì quyết toán vào ngân sách năm trước, nếu thực hiện sau thời gian chỉnh lý quyết toán của từng cấp ngân sách thì cơ quan tài chính chuyển nguồn sang ngân sách năm sau chi tiếp; trường hợp cơ quan tài chính không chấp nhận thì số dư dự toán bị huỷ bỏ.

4.2- Số dư dự toán chi thường xuyên của các trường hợp nêu tại tiết a, b, c, d, e, g, h điểm 3.3 Mục I của Thông tư này và các nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ đã giao cho đơn vị dự toán, nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết, được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp theo chế độ qui định.

[...]