Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 54/2004/TTLT/BTC-BCA hướng dẫn lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước và quản lý tài sản Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh do Bộ Tài chính, Bộ Công an ban hành

Số hiệu 54/2004/TTLT/BTC-BCA
Ngày ban hành 10/06/2004
Ngày có hiệu lực 01/01/2004
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Khánh Toàn,Trần Văn Tá
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ CÔNG AN
BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54/2004/TTLT/BTC-BCA

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2004 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN LẬP, CHẤP HÀNH, QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC AN NINH

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Công an hướng dẫn về lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước và quản lý tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh như sau:

I . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực an ninh bao gồm:

1.1. Chi cho công tác an ninh thuộc nhiệm vụ của Bộ Công an theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ;

1.2. Chi cho công tác an ninh ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 5 và Khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ. Khoản chi này được tính trong ngân sách của các cơ quan trung ương và của địa phương.

2. Các khoản thu (kể cả ngoại tệ) từ lĩnh vực an ninh bao gồm:

2.1. Các khoản phí, lệ phí và tiền phạt được để lại chi theo chế độ quy định hiện hành;

2.2. Thu thanh lý tài sản, xử lý vũ khí, khí tài và công cụ hỗ trợ;

2.3. Các khoản thu từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công an;

2.4. Các khoản thu sự nghiệp của các đơn vị thuộc Bộ Công an;

2.5. Các khoản thu từ kết quả lao động của phạm nhân, trại viên và học sinh trong trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng;

2.6. Các khoản thu khác.

3. Các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực an ninh được hạch toán bằng đồng Việt Nam đúng niên độ ngân sách, cấp ngân sách và Mục lục ngân sách Nhà nước. Các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ, hiện vật, ngày công lao động được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ, giá hiện vật, giá trị ngày công lao động do cơ quan có thẩm quyền quy định tại thời điểm phát sinh để hạch toán.

4. Các khoản thu được để lại để thực hiện nhiệm vụ chi theo quy định tại Điều 2, Nghị  định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ phải được tổng hợp trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của đơn vị, báo cáo Bộ Công an để tổng hợp và đề nghị Bộ Tài chính xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ. Việc sử dụng nguồn thu phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Các đơn vị sự nghiệp có thu, bao gồm các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên thực hiện theo chế độ quy định hiện hành.

5. Tất cả các khoản chi ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực an ninh phải được kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau quá trình cấp phát thanh toán. Các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoạt động người được uỷ quyền quyết định chi. Người ra quyết định chi phải thực hiện trách nhiệm về quyết định của mình, nếu chi sai phải bồi hoàn công quỹ và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm:

6.1. Nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước khác (nếu có) vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật;

6.2. Quản lý, sử dụng các khoản kinh phí do nhà nước cấp, hỗ trợ theo đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả.

6.3. Tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo và quyết toán thu, chi ngân sách theo đúng qui định của chế độ kế toán nhà nước, Mục lục ngân sách Nhà nước và những quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính và các quy định tại Thông tư này.

7. Phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn lập, chấp hành, quyết toán ngân sách và quản lý tài sản nhà nước đối với Bộ Công an và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Công an.

Những nội dung không hướng dẫn trong Thông tư này được thực hiện theo Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương có nhiệm vụ chi cho công tác an ninh thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003, Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ và các văn bản hiện hành hướng dẫn thựchiện Luật Ngân sách Nhà nước.

II. LẬP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HÀNG NĂM

1. Công tác hướng dẫn lập dự toán và thông báo số dự kiến ngân sách:

1.1. Hàng năm, Bộ Công an hướng dẫn các đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập dự toán ngân sách; thông báo số dự kiến giao dự toán ngân sách cho các đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc dựa trên các căn cứ sau:

[...]