Thông tư 10/2008/TT-BKHCN hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 10/2008/TT-BKHCN
Ngày ban hành 08/08/2008
Ngày có hiệu lực 11/09/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Trần Quốc Thắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 10/2008/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HOÁ CHẤT NGUY HIỂM LÀ CÁC CHẤT ÔXY HÓA, CÁC HỢP CHẤT HỮU CƠ VÀ CÁC CHẤT ĂN MÒN BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển các chất ôxy hóa, các hợp chất hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm loại 5 và loại 8 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gồm: các chất ô xy hoá, các hợp chất ô xít hữu cơ (loại 5) và các chất ăn mòn (loại 8) quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ (gọi tắt là Nghị định 13/2003/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp Điều ước quốc tế liên quan đến vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng đường bộ mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Thông tư này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

b) Việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Các trường hợp được miễn áp dụng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 13/2003/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ quyết định

a) Hàng hoá phục vụ cho yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, địch hoạ.

b) Hàng hóa quá cảnh của các nước, tổ chức quốc tế mà Việt Nam không ký kết hoặc gia nhập điều ước của các nước, tổ chức quốc tế đó.

4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Doanh nghiệp gửi hàng là doanh nghiệp có hóa chất nguy hiểm cần vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

b) Doanh nghiệp vận tải là doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ NGUY HIỂM BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

1. Đối với hóa chất nguy hiểm được gửi

Hoá chất nguy hiểm loại 5 và loại 8 (sau đây viết tắt là hàng hoá) cần vận chuyển phải được đóng gói, ghi nhãn theo quy định tại các Điều 7, 8, 9 và Điều 17 Nghị định số 13/2003/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

a) Việc đóng gói hàng hoá phải phù hợp quy định tại Thông tư số 02/2004/TT- BCN ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP. Doanh nghiệp gửi hàng chỉ được sử dụng các bao bì, thùng chứa được kiểm tra, kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định do Bộ Công Thương quy định.

b) Bao bì chứa hàng hoá được ghi nhãn hàng hoá theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa và các quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hóa là hóa chất nguy hiểm.

c) Bao bì chứa hàng hoá phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm loại hàng hoá theo quy định tại Mục 1 Phụ lục 3 của Nghị định số 13/2003/NĐ-CP.

d) Có đầy đủ tài liệu an toàn hóa chất được quy định tại điểm h, khoản 2 Mục I Thông tư số 02/2004/TT-BCN ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP.

đ) Trường hợp hàng hoá cần có người áp tải, người áp tải phải có chứng chỉ huấn luyện về hàng nguy hiểm mà mình vận chuyển do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) cấp.

2. Đối với phương tiện vận chuyển

a) Phương tiện vận chuyển của chính doanh nghiệp có hàng hoá cần vận chuyển hoặc của doanh nghiệp vận tải được thuê vận chuyển phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải kiểm định, cấp phép lưu hành và còn trong thời gian sử dụng.

Đồng thời, phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật cho việc vận chuyển hoá chất nguy hiểm quy định tại điểm c khoản 2 Mục III Thông tư số 02/2004/TT-BCN ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP.

[...]