Thông tư 07/2000/TT-NHNN7 hướng dẫn thi hành Nghị định 174/1999/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 07/2000/TT-NHNN7
Ngày ban hành 28/04/2000
Ngày có hiệu lực 13/05/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Đức Thuý
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng,Tài nguyên - Môi trường

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2003/TT-NHNN7

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2000

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 174/1999/NĐ-CP NGÀY 09/12/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng điều chỉnh của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng không bao gồm hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng.

2. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là hoạt động kinh doanh vàng bao gồm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu.

3. Việc kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ Về quản lý ngoại hối và Thông tư số 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/4/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ.

Mục 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Sản xuất đơn chiếc vàng trang sức, mỹ nghệ" là sản xuất sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ mang tính thủ công, truyền thống, không mang tính chất sản xuất đại trà, hàng loạt.

2. "Gia công vàng" là hoạt động theo đó bên nhận gia công thực hiện việc gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng theo yêu cầu và bằng vàng nguyên liệu của bên đặt gia công để hưởng tiền gia công. Bên nhận gia công có thể cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu vàng, phụ liệu, vật tư để gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.

Mục 3. Vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh vàng

1. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp.

Giá trị tài sản để tính vốn pháp định gồm: Tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác.

2. Xác định giá trị tài sản để tính vốn của doanh nghiệp:

a. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoạt động kinh doanh vàng, vốn của công ty khi thành lập doanh nghiệp do tất cả thành viên sáng lập xác định và thông qua theo nguyên tắc nhất trí và ghi trong điều lệ công ty. Trong quá trình hoạt động, hội đồng quản trị công ty cổ phần, hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh xác định lại giá trị tài sản để tính vốn của công ty.

b. Đối với doanh nghiệp tư nhân, vốn do chủ doanh nghiệp tư nhân tự xác định.

c. Đối với doanh nghiệp nhà nước, vốn được xác định căn cứ theo quyết định giao vốn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của số vốn được xác định khi thành lập doanh nghiệp và trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục 4. Quy định về kinh doanh vàng

1. Tổ chức, cá nhân được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng quy định tại các Mục 1, 2, 3 Chương II Thông tư này nếu có đủ điều kiện theo quy định. Những doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Mục 3 Chương II được hoạt động kinh doanh trong cả phạm vi quy định tại các Mục 1, 2 Chương II Thông tư này.

2. Các hoạt động kinh doanh vàng sau đây phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước:

a. Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng;

b. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, lá, hạt, dây, bột;

c. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng mỹ nghệ có khối lượng lô hàng từ 03 (ba) kilôgam trở lên cho mỗi lần xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Các hoạt động kinh doanh vàng không thuộc phạm vi quy định tại điểm 2, Mục 4, Chương I Thông tư này không phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

[...]