Nghị định 174/1999/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Số hiệu 174/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/12/1999
Ngày có hiệu lực 24/12/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 174/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 174 /1999/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 1999 VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng, không bao gồm hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng.

2. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là hoạt động kinh doanh vàng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế bao gồm vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu.

3. Việc kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Hoạt động kinh doanh vàng" là hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật.

2. "Vàng trang sức" là các sản phẩm vàng có gắn hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác để phục vụ nhu cầu trang sức của con người như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài, tượng và các loại khác.

3. "Vàng mỹ nghệ" là các sản phẩm vàng có gắn đá quý hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác để phục vụ nhu cầu trang trí mỹ thuật như các loại: khung ảnh, tượng và các loại khác.

4. "Vàng miếng" là vàng đã được dập thành miếng dưới các hình dạng khác nhau, có đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất.

5. "Vàng nguyên liệu" là vàng dưới các dạng: khối, thỏi, lá, hạt, dây, dung dịch, bột, bán thành phẩm trang sức và các loại khác nhưng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 3. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước

1. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng;

2. Cấp, thu hồi giấy phép:

a) Sản xuất vàng miếng;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định tại Nghị định này;

c) Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.

3. Kiểm tra, thanh tra hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình;

[...]