Thông tư 06/2011/TT-BTNMT về kiểm soát chất lượng kết quả phân tích mẫu địa chất, khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 06/2011/TT-BTNMT
Ngày ban hành 29/01/2011
Ngày có hiệu lực 15/03/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Linh Ngọc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2011/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG CÁC KẾT QUẢ PHÂN TÍCH MẪU ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Khoáng sản, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế
,

QUY ĐỊNH:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc kiểm soát chất lượng, đánh giá độ tin cậy kết quả phân tích định lượng mẫu địa chất, khoáng sản.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, các phòng thí nghiệm, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thăm dò khoáng sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Mẫu cơ bản là mẫu đã được gia công, được lấy ra một phần đại diện để phân tích theo yêu cầu của người gửi.

2. Mẫu lưu phân tích là phần mẫu còn lại, có các đặc điểm vật lý và thành phần vật chất hoàn toàn giống mẫu cơ bản và được lưu giữ, bảo quản theo các quy định hiện hành.

3. Mẫu kiểm soát chất lượng gồm:

a) Mẫu chuẩn là mẫu được chế tạo từ đất, đá hoặc quặng được cơ quan có thẩm quyền công bố, có bảng chứng chỉ kèm theo.

b) Mẫu trắng là mẫu đã biết thành phần cần phân tích nhỏ hơn giới hạn phát hiện của phương pháp.

c) Mẫu đúp là mẫu do người gửi lấy từ mẫu đã gia công và mã hóa gửi cùng mẫu cơ bản, các yêu cầu phân tích như mẫu cơ bản.

d) Mẫu lặp lại là mẫu được lấy từ mẫu lưu phân tích, gửi phân tích lại.

đ) Mẫu đối song là mẫu do người gửi lấy từ mẫu lưu phân tích và mã hoá, gửi phân tích bằng phương pháp phân tích khác hoặc phòng thí nghiệm khác.

Điều 3. Yêu cầu về kiểm soát chất lượng kết quả phân tích mẫu

1. Kiểm soát chất lượng các kết quả phân tích mẫu thực hiện độc lập với công tác kiểm tra do các phòng thí nghiệm tự tổ chức thực hiện.

2. Kiểm soát chất lượng được thực hiện liên tục cho từng lô mẫu gửi phân tích. Một lô mẫu cơ bản bắt buộc phải gửi kèm ít nhất một trong các loại mẫu kiểm soát chất lượng. Mỗi lô mẫu cơ bản không nhiều hơn 30 mẫu.

3. Đối với mỗi chỉ tiêu phân tích để xác định tài nguyên cấp cao phải có 2 đến 3 trong 6 loại mẫu kiểm soát chất lượng được quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

4. Điều kiện phòng thí nghiệm (hoặc phương pháp) phân tích đối song phải có độ tin cậy cao hơn hoặc bằng phòng thí nghiệm (hoặc phương pháp) phân tích mẫu cơ bản.

5. Mẫu đối song được sử dụng trong trường hợp không có mẫu chuẩn phù hợp.

CHƯƠNG II

CHỌN, GỬI MẪU KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG

Điều 4. Chọn mẫu kiểm soát chất lượng

[...]