Thông tư 06/1998/TT-BVHTT hướng dẫn Nghị định 48/CP-1995 về việc lưu chiểu phim Điện ảnh do Bộ Văn hoá thông tin ban hành

Số hiệu 06/1998/TT-BVHTT
Ngày ban hành 11/11/1998
Ngày có hiệu lực 26/11/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Nguyễn Trung Kiên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 06/1998/TT-BVHTT NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 48/CP NGÀY 17/7/1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC LƯU CHIỂU VÀ LƯU TRỮ PHIM ĐIỆN ẢNH

Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước, giữ gìn và phát huy giá trị phim điện ảnh.
Căn cứ Điều 13 và Điều 33 Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Thông tư này hướng dẫn việc lưu chiểu và lưu trữ phim điện ảnh.

I. NHỮNG QUY ĐINH CHUNG

Điều 1. Khái niệm phim điện ảnh:

Phim điện ảnh là kết quả sự ghi lại hình ảnh động có hoặc không có âm thanh kèm theo, đã thành tác phẩm hoặc chưa thành tác phẩm, trên bất kỳ một loại vật liệu nào, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, kỹ thuật chế tạo và phương tiện sản xuất ra chúng.

Điều 2. Đối tượng lưu chiểu:

Tất cả các tổ chức, cá nhân có tác phẩm điện ảnh được cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa - thông tin cấp phép phổ biến trong nước hoặc ngoài nước đều phải nộp Lưu chiểu theo quy định này tại Thông tư này.

Điều 3. Đối tượng lưu trữ:

Những đoạn phim tư liệu chưa dựng thành tác phẩm, những tác phẩm điện ảnh và những tài liệu kèm theo có giá trị về lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học - giáo dục, văn hóa và nghệ thuật là Di sản văn hóa quốc gia cần phải được bảo quản, lưu trữ và sử dụng lâu dài.

II. LƯU CHIỂU

Điều 4. Mục đích lưu chiểu:

Lưu chiểu phim điện ảnh nhằm đối chiếu về nội dung, kỹ thuật với bản phim được phép phổ biến, đồng thời để chứng minh sản phẩm của đơn vị, cá nhân sản xuất phim điện ảnh.

Chủ sở hữu mang trình duyệt tác phẩm điện ảnh, nếu được Cục điện ảnh hoặc Sở Văn hóa - Thông tin cho phép phổ biến, phải nộp cho Cục điện ảnh hoặc Sở Văn hóa - Thông tin một bản lưu chiểu trước khi nhận quyết định cho phép phổ biến tác phẩm.

Điều 5. Quy định về phim nộp lưu chiểu:

1. Đối với phim được Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, trợ giá từ 30% trở lên nộp bản lưu chiểu bằng vật liệu đặt hàng hoặc tài trợ, trợ giá. Giá thành của bản phim nộp lưu chiểu được tính vào giá thành sản xuất bộ phim.

2. Đối với phim không thuộc diện Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, trợ giá dưới 30% nộp lưu chiểu bằng bản sao có nội dung giống bản được phép phổ biến.

Điều 6. Quản lý phim lưu chiểu;

1. Các tổ chức, cá nhân có phim được Cục điện ảnh cấp phép phổ biến, nộp lưu chiểu tại Cục điện ảnh. Cục điện ảnh có trách nhiệm nhận phim lưu chiểu, bảo quản phim để đối chiếu khi cần thiết. Sau thời hạn 09 tháng kể từ ngày nhận lưu chiểu Cục điện ảnh chịu trách nhiệm chuyển giao bản phim lưu chiểu cho Viện Nghệ Thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam để bảo quản và chọn lựa lưu trữ lâu dài.

2. Các tổ chức, cá nhân có phim được Sở Văn hóa - Thông tin cấp phép phổ biến, nộp lưu chiểu tại Sở Văn hóa - Thông tin cấp phép. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm nhận phim lưu chiểu, bảo quản phim để đối chiếu khi cần thiết. Sau thời hạn 09 tháng kể từ ngày nhận lưu chiểu Sở Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm chuyển giao bản phim lưu chiểu cho Viện Nghệ Thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam để bảo quản và chọn lựa lưu trữ lâu dài.

3. Khi giao nhận phim lưu chiểu, bên giao và bên nhận phải ghi đầy đủ nội dung vào tờ khai lưu chiểu theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

III - LƯU TRỮ

Điều 7. Nguồn phim lưu trữ:

1. Phim lưu chiểu chuyển sang.

2. Phim (vật liệu gốc) do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, trợ giá.

3. Phim tư liệu (Negative, Positive) chưa dựng thành tác phẩm.

4. Phim do Viện Nghệ Thuật và Lưu trữ điện ảnh mua.

5. Phim do tổ chức, cá nhân hiến tặng Nhà nước.

[...]