Nghị định 48-CP năm 1995 về tổ chức và hoạt động Điện ảnh

Số hiệu 48-CP
Ngày ban hành 17/07/1995
Ngày có hiệu lực 17/07/1995
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 48-CP NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 1995 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN ẢNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để củng cố và xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam dân tộc, hiện đại và nhân văn, mở rộng giao lưu quốc tế về điện ảnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá và tinh thần của nhân dân;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.-

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp. Hoạt động điện ảnh nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, nâng cao dân trí và trình độ thẩm mỹ, góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng sinh hoạt văn hoá và tinh thần của nhân dân.

Hoạt động điện ảnh bao gồm các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất phim, phổ biến phim (phát hành phim và chiếu phim), xuất, nhập khẩu phim. Hoạt động điện ảnh không mang tính chất kinh doanh đơn thuần; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên là loại doanh nghiệp hoạt động công ích.

Phim quy định trong nghị định này là tác phẩm điện ảnh được ghi trên các loại vật liệu, được phổ biến thông qua các cơ sở chiếu phim, các đài truyền hình và mạng lưới video.

Điều 2.- Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động điện ảnh trong cả nước bằng pháp luật theo nguyên tắc:

1. Phân biệt chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, Uỷ ban Nhân dân các cấp với chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh, sự nghiệp của các cơ sở điện ảnh;

2. Đảm bảo quyền bình đẳng, quyền chủ động sáng tạo và quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, quyền hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của mọi công dân;

3. Phim thuộc mọi thể loại, sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài đều phải được Bộ Văn hoá - Thông tin xét duyệt và cấp giấy phép mới được phổ biến trong nước hoặc nước ngoài.

Nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu và phổ biến các phim có nội dung sau:

- Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

- Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; Truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục và môi trường sinh thái;

- Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà Nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư, và bí mật khác do pháp luật quy định;

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điều 3.- Nhà nước thực hiện chính sách sau đây đối với hoạt động điện ảnh:

1. Nhà nước đặt hàng, ưu đãi về thuế, cho vay vốn với lãi xuất thấp, trợ giá cho sáng tác kịch bản, sản xuất và phổ biến các loại phim: tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim thiếu nhi, phim giáo khoa, phim tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà Nước, một số phim truyện, các hoạt động điện ảnh ở vùng núi, hải đảo... và phim thể nghiệm; Trợ giá một phần đối với việc nhập khẩu phim cho thiếu nhi và một số phim của nước ngoài có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật;

Nhà nước cấp một phần vốn lưu động cho các cơ sở sản xuất phim, các cơ sở xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim và chiếu phim là doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Tài chính ban hành quy chế về đặt hàng, ưu đãi về thuế, cho vay vốn trợ giá và cấp vốn lưu động cho các cơ sở nói trên.

2. Đầu tư có mục tiêu, có trọng điểm cho việc nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thật, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại đối với các cơ sở điện ảnh của Nhà nước trên các lĩnh vực sản xuất, phổ biến và bảo quản các tác phẩm điện ảnh;

3. Củng cố và tăng cường các cơ sở điện ảnh là doanh nghiệp Nhà nước thành một hệ thống liên thông giữa sản xuất và tiêu thụ, trên cơ sở đó giữ vai trò định hướng trong hoạt động điện ảnh, đồng thời thực hiện xã hội hoá hoạt động điện ảnh;

4. Khuyến khích việc xuất khẩu, phổ biến những tác phẩm có giá trị của điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài và mở rộng giao lưu quốc tế về điện ảnh;

5. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi chính sách đối với các nghệ sĩ điện ảnh chuyên nghiệp: xếp lương cơ bản theo trình độ, chất lượng cống hiến, chứ không theo thâm niên, quy định cụ thể chế độ thưởng và phụ cấp cho nghệ sỹ tuỳ theo kết quả tham gia vào tác phẩm điện ảnh. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và bộ Văn hoá - Thông tin trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định nói ở trên.

[...]