Thông tư 04-TT/BVNLTS-1996 hướng dẫn thi hành Nghị định 48/CP-1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản ban hành

Số hiệu 04-TT/BVNLTS
Ngày ban hành 10/10/1996
Ngày có hiệu lực 10/10/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Huỳnh Công Hoà
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-TT/BVNLTS

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 04 TT/BVNL-TS NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 48/CP NGÀY 12/8/1996 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Ngày 12 tháng 8 năm 1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 48/CP). Thực hiện Điều 14 của Nghị định 48/CP, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn một số điểm sau đây:

I- GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH 48/CP

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 48/CP.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hình thức và mức phạt, thẩm quyền xử phạt.

Các vấn đề khác như nguyên tắc xử phạt, thủ tục xử phạt, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử phạt, xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người bị xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v... đã được quy định đầy đủ trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 06/7/1995 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính).

Do đó khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, người có thẩm quyền xử phạt phải nắm vũng và tuân thủ các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 48/CP.

2. Đối tượng bị xử phạt:

Các đối tượng được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi vi phạm hành chính quy định từ Điều 4 đến Điều 10 của Nghị định 48/CP thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định 48/CP. Như vậy tổ chức, cá nhân nước ngoài được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam nếu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định 48/CP.

Các hành vi xâm phạm trái phép lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa Việt Nam để khai thác hải sản hoặc thực hiện các mục đích khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 48/CP. Trong khi kiểm tra, kiểm soát trên biển, nếu phát hiện các hành vi đó, Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có trách nhiệm lập biên bản, bắt giữ người và phương tiện để chuyển giao cho Biên phòng xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Biên phòng xử lý nếu các hành vi đó gây hại cho nguồn lợi thuỷ sản.

3. Các hành vi vi hạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

3.1. Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản (Điều 4 Nghị định 48/CP):

- Môi trường sống của các loài thuỷ sản bao gồm các vùng nước, các rạn đá ngầm, các bãi san hô, bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn, bãi cạn là những nơi cư trú, nơi sinh sống, nơi đẻ của các loài thuỷ sản.

- Các hành vi phá rạn đá ngầm, bãi san hô, bãi thực vật ngầm, phá dỡ hoặc xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm không được cấp có thẩm quyền cho phép làm hại đến nơi cư trú, sinh sống, nơi đẻ của các loài thuỷ sản không kể mức độ, khối lượng là bao nhiêu đều bị xử phạt theo khoản 1, Điều 4 Nghị định 48/CP.

- Các hành vi phá rừng ngập mặn bị xử phạt theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong khi thi hành công vụ nếu phát hiện các hành vi phá rừng ngập mặn gây hại cho môi trường sống của các loài thuỷ sản thì có trách nhiệm ngăn chặn, lập biên bản và chuyển cho cơ quan Kiểm lâm xử lý.

- Các hành vi gây ô nhiễm vùng nước sinh sống của các loài thuỷ sản bị xử phạt theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 48/CP. Mức phạt được quy định theo đơn vị diện tích (ha) vùng nước bị ô nhiễm. Chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm vùng nước căn cứ vào nồng độ giới hạn cho phép của một số chất độc hại tan trong nước có hại cho tôm, cá và thuỷ sinh vật được quy định tại bảng 1 Thông tư 04 TS/TT ngày 30/8/1990 của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngày 25-4-1989 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 195/HĐBT ngày 02-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Thông tư 04 TS/TT).

3.2. Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ các loài thuỷ sản (Điều 5 Nghị định 48/CP).

- Các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác bị xử phạt theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 48/CP. Kích thước tối thiểu cho phép khai thác đối với các loài thuỷ sản kinh tế sống trong các vùng nước tự nhiện được quy định tại bảng 9 Thông tư 04 TS/TT.

Theo quy định của Thông tư 04 TS/TT đối với khai thác hải sản, cho phép tỷ lệ lẫn các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước tối thiểu cho phép khai thác không quá 15% sản lượng của một mẻ lưới hoặc tổng sản lượng khai thác một chuyến biển. Quá tỷ lệ cho phép đó thì người khai thác hải sản bị xử phạt.

Trường hợp người vận chuyển, tiêu thụ, chế biến các loài thuỷ sản nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác, nếu không có xác nhận đó là số thuỷ sản thuộc 15% tỷ lệ lẫn cho phép kể trên hoặc đó là số thuỷ sản do các cơ sở nuôi mà có thì bị xử phạt.

- Các hành vi khai thác, vận chuyển tiêu thụ, chế biến các loài thuỷ sản trong thời gian cấm khai thác bị xử phạt theo khoản 2, Điều 5 Nghị định 48/CP. Thời gian cấm khai thác của một số loài thuỷ sản được quy định tại bảng 8 Thông tư 04 TS/TT.

- Các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác bị xử phạt theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 48/CP. Danh mục các loài thuỷ sản cấm khai thác được quy định tại bảng 7 Thông tư 04 TS/TT.

3.3. Các hành vi vi phạm hành chính về quản lý khai thác thuỷ sản (Điều 6 Nghị định 48/CP).

- Hành vi khai thác thuỷ sản, kể cả khai thác giống hoặc trứng của các loài thuỷ sản không có giấy phép hoạt động nghề cá do cơ quan có thẩm quyền cấp bị xử phạt theo điểm a, khoản 1 Điều 6 Nghị định 48/CP.

- Hành vi di chuyển lực lượng khai thác không có giấy phép thì bị xử phạt theo điểm b, khoản 1, Điều 6 Nghị định 48/CP. Theo quyết định số 682 TS/QĐ ngày 11/9/1993 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc ban hành Quy chế khai thác và quản lý nguồn lợi hải sản trên các ngư trường trọng điểm (sau đây gọi tắt là Quyết định 682 TS/QĐ), việc di chuyển lực lượng khai thác đến các ngư trường trọng điểm phải có giấy phép. Giấy phép đó phải có dấu nổi của Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở góc trên, bên trái và do Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ký cấp.

- Các hành vi đặt chà rạo, đăng, đáy để khai thác thuỷ sản, đặt lồng, bè nuôi thuỷ sản không đúng quy định bị xử phạt theo điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị định 48/CP. Vị trí đặt chà rạo, đăng, đáy, lồng, bè do cơ quan cấp giấy phép hoạt động nghề cá quy định sao cho đảm bảo luồng lạch giao thông, đường di cư của các loài thuỷ sản và không ảnh hưởng đến các nghề khai thác thuỷ sản khác.

- Công suất nguồn sáng (điện, măng xông) nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định 48/CP được quy định tại Quyết định 682 TS/QĐ đối với một số nghề khai thác kết hợp ánh sáng. Công suất nguồn sáng là tổng công suất của các bóng đèn (không kể các bóng dự trữ) sử dụng để khai thác thuỷ sản trên một đơn vị thuyền nghề khai thác thuỷ sản (kể cả các bóng đèn sử dụng trên thuyền chính và các bóng đèn đặt trên các xuồng đèn, phao đèn, thúng chai). Nếu công suất vượt quá quy định 20% trở lên thì người sử dụng bị xử phạt tiền và bị tịch thu số bóng đèn vượt quá công suất quy định.

[...]