Nghị định 48-CP năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Số hiệu 48-CP
Ngày ban hành 12/08/1996
Ngày có hiệu lực 12/08/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 48-CP NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 1996 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định:

Nghị định này quy định: Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hình thức xử phạt và mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục và biện pháp xử phạt.

Điều 2.- Quy định về xử lý vi phạm:

Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và xử lý vi phạm đối với người bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện theo các Điều 91, 92 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.

Điều 3.- Quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện theo các Điều 87, 88 và 90 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995.

Chương 2:

MỨC PHẠT VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 4.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản:

1. Đối với các hành vi phá, làm thay đổi nơi cư trú, sinh sống của các loài thuỷ sản:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

Phá các bãi đá ngầm, bãi san hô, bãi thực vật ngầm.

Phá dỡ hoặc xây dựng trái phép các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước.

2. Đối với các hành vi xả, thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại, các loại thực vật có độc tố hoặc các chất thải khác gây ô nhiễm vùng nước sinh sống của các loại thuỷ sản:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 nếu gây ô nhiễm đến 01 ha vùng nước.

b) Phạt tiền 5.000.000 đồng/1 ha, nếu gây ô nhiễm trên 01 ha vùng nước.

Ngoài mức phạt tiền trên đây, người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.

Điều 5.- Mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về bảo vệ các loài thuỷ sản:

1. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác. Người vận chuyển, tiêu thụ, chế biến loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 5000 đồng đến 10.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong thời gian cấm khai thác. Người vận chuyển, tiêu thụ, chế biến loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 10.000 đến 20.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản.

3. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng trên một kilôgam thuỷ sản khai thác được, đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác. Người vận chuyển, chế biến, tiêu thụ loại thuỷ sản này bị phạt tiền từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng trên 1 kilôgam thuỷ sản.

[...]