Thông tư 03-TTg-1964 quy định chế độ đối với cán bộ, công nhân làm công tác giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn ở các trường, lớp đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 03-TTg |
Ngày ban hành | 11/01/1964 |
Ngày có hiệu lực | 11/01/1964 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Giáo dục |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 03-TTg |
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 1964 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Theo đà phát triển của công tác đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật, các Bộ, các ngành đã động viên được cán bộ, công nhân ở các cơ sở tham gia công tác giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn. Nhiều người đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu giai cấp, giúp đỡ cho học sinh học tập tốt và góp phần xây dựng lực lượng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.
Để khuyến khích việc phát triển và mở rộng lực lượng giáo viên nhằm đáp ứng kịp yêu cầu của công tác đào tạo, bổ túc nghề cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đối với cán bộ, công nhân tham gia công tác giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn ở các trường, lớp đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật như sau:
I. LỰA CHỌN GIÁO VIÊN GIẢNG DẠY VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC KÈM CẶP, HƯỚNG DẪN
A. GIÁO VIÊN GIẢNG DẠY LÝ THUYẾT:
Việc giảng dạy lý thuyết cần chọn những cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân kỹ thuật có trình độ lý thuyết từ sơ cấp kỹ thuật trở lên và đã có ít nhiều thực tế trong công tác, sản xuất.
B. NGƯỜI KÈM CẶP, HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH:
Người kèm cặp, hướng dẫn học sinh học thực hành phải có trình độ kỹ thuật cao hơn người được kèm cặp, hướng dẫn hai bậc.
Trường hợp thiếu người hướng dẫn cao hơn hai bậc mà phải bố trí người cao hơn một bậc (kèm cặp, hướng dẫn học sinh học thực hành) cũng như trường hợp người hướng dẫn thực hành còn yếu về mặt lý thuyết, các cơ sở có tổ chức đào tạo, bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật cần có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho người làm công tác kèm cặp, hướng dẫn học sinh học thực hành, để bảo đảm chất lượng kèm cặp, hướng dẫn học sinh.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIÁO VIÊN GIẢNG DẠY VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC KÈM CẶP, HƯỚNG DẪN
1. Chuẩn bị giáo trình, giáo án:
Người làm công tác giảng dạy lý thuyết và kèm cặp, hướng dẫn học sinh học thực hành chuyên nghiệp hay kiểm chức năng trước khi giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn, phải chuẩn bị đầy đủ giáo trình, giáo án. Giáo trình, giáo án phải thống nhất giữa những giáo viên giảng dạy, giữa những giáo viên giảng dạy với người hướng dẫn thực hành và phải được Giám đốc, Phó giám đốc (đối với xí nghiệp, công trường) hoặc Giám hiệu, Hiệu trưởng (đối với các trường, lớp) thông qua.
2. Thì giờ giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn:
a) Đối với giáo viên chuyên nghiệp:
Số giờ giảng dạy trong tuần quy định từ 16 đến 20 giờ đối với giáo viên chuyên nghiệp giảng dạy; từ 8 đến 12 giờ dạy lý thuyết, từ 12 đến 18 giờ hướng dẫn thực hành đối với giáo viên chuyên nghiệp vừa giảng vừa hướng dẫn thực hành; từ 36 đến 40 giờ đối với giáo viên chuyên nghiệp hướng dẫn thực hành.
Số giờ còn lại trong tuần dùng để soạn bài, chấm bài, phụ đạo cho học sinh, chuẩn bị đồ dùng dạy học.
Ngoài số giờ tiêu chuẩn quy định trên, nếu do yêu cầu học tập người giáo viên có thể giảng dạy và hướng dẫn thực hành thêm, song không được ảnh hưởng đến việc soạn bài, chấm bài, phụ đạo cho học sinh, chuẩn bị đồ dùng dạy học… Về những giờ giảng dạy và hướng dẫn thực hành thêm ngoài số giờ tiêu chuẩn quy định, giáo viên được thù lao như quy định ở điểm 1 tiết B dưới đây.
b) Đối với giáo viên kiêm chức giảng dậy:
Thì giờ giảng dạy của giáo viên kiêm chức nên sắp xếp ngoài giờ chính quyền, nếu giảng dậy, chuẩn bị bài vở phải dùng trong giờ chính quyền thì tối đa không quá 6 giờ trong một tuần. Nếu vì điều kiện nào đó mà phải giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành thêm ngoài số giờ tiêu chuẩn quy định thì xí nghiệp, công trường phải bố trí giáo viên chuyên nghiệp hoặc giáo viên biệt phái để giảng dậy.
c) Đối với những người làm công tác kèm cặp, hướng dẫn học sinh học thực hành:
- Để bảo đảm chất lượng kèm cặp, một người thợ kèm nhiều nhất không quá hai học sinh.
Những nghề mà một người có thể kèm nhiều học sinh, nên giao cho tổ, đội sản xuất chịu trách nhiệm, hoặc bố trí người thoát ly sản xuất làm giáo viên chuyên nghiệp.