Thông tư 334-BCNNh-CBLĐ-1964 về việc đẩy mạnh công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật ngành công nghiệp nhẹ do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành

Số hiệu 334-BCNNh-CBLĐ
Ngày ban hành 18/12/1964
Ngày có hiệu lực 18/12/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nhẹ
Người ký Nguyễn Đức Tâm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 334-BCNNH-CBLĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHẸ 

Kính gửi:

-Ông Giám đốc các xí nghiệp

Ngày 11-01-1964 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 02-TTg, số 03-TTg quy định chế độ bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật và tiếp đó ngày 22-4-1964 Bộ Lao động đã ra Thông tư số 05-LĐ-TT, số 06-LĐ-TT hướng dẫn thi hành.

Đối với các xí nghiệp ngành công nghiệp nhẹ, từ năm 1962 Bộ đã chỉ thị tiến hành công tác bổ túc nâng cao trình độ kỹ thuật và trên cơ sở đó nâng bậc cho một số công nhân. Cho đến nay trên 12.000 công nhân đã được bổ túc lý thuyết trong đó gần 6.000 người được kèm cặp và nâng bậc. Cấp bậc bình quân của công nhân sản xuất đã từ 2.38 (cuối năm 1961) tăng lên 2,5 (cuối năm 1963). Lực lượng công nhân có trình độ khá đã được tăng lên hơn trước; kết quả trên đã góp phần nhất định trong việc đẩy mạnh sản xuất của các xí nghiệp.

Nay căn cứ vào tinh thần thông tư mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ, dựa vào đặc điểm tình hình và kinh nghiệm đã thu được, Bộ ra thông tư hướng dẫn các xí nghiệp tích cực đẩy mạnh và tăng cường chất lượng hơn nữa công tác bổ túc kỹ thuật cho công nhân nhằm:

- Trang bị và bổ sung cho đội ngũ công nhân, trình độ lý thuyết và tay nghề để đảm đang tốt công việc trong cấp bậc hiện giữ, đồng thời tạo điều kiện cho những người có khả năng trở thành những công nhân lành nghề, góp phần đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và không ngừng tăng năng suất lao động, bảo đảm yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển;

- Thông qua công tác bổ túc kỹ thuật làm cho mọi công nhân thấy rõ đường lối của Đảng và Chính phủ trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ mà tự xác định hướng dẫn phấn đấu tích cực học tập trau dồi khả năng, đóng góp nhiều cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở ấy tạo điều kiện thực hiện tốt vấn đề hưởng thụ theo lao động.

Nhiệm vụ sản xuất ngày càng phát triển, yêu cầu công nhân kỹ thuật bậc cao đòi hỏi ngày càng nhiều. Do vậy việc đẩy mạnh công tác bổ túc kỹ thuật cho công nhân là rất cần thiết và chỉ có thực hiện công tác này, trong thực tế sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu thợ bậc cao có trình độ lý thuyết và khả năng thành thạo tay nghề.

I. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ

Do điều kiện thực tế của ta, công nhân kỹ thuật các xí nghiệp thuộc Bộ, trừ một số rất ít được đào tạo có hệ thống cả lý thuyết lẫn thực hành, còn phần lớn chỉ qua kèm cặp tay nghề, trình độ lý thuyết nói chung còn thấp.

Mặc dầu trong mấy năm qua, công tác bổ túc văn hoá đã được đẩy mạnh ở khắp các xí nghiệp, công tác bổ túc kỹ thuật cho công nhân được tiến hành ở nhiều nơi nhưng vẫn còn cách xa so với yêu cầu sản xuất.

Do đó việc bổ túc lý thuyết nghề nghiệp cho những công nhân kỹ thuật (mà trước đây chưa được học lý thuyết) để trong một thời gian nhất định đảm bảo cho anh em có trình độ sơ học kỹ thuật là hết sức cần thiết.

Căn cứ vào tình hình trên và thực tế công tác bồi dưỡng kỹ thuật mấy năm qua, Bộ xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác bổ túc kỹ thuật từ nay đến hết năm 1970 phải phấn đấu để căn bản thanh toán trình độ sơ học cho toàn bộ công nhân kỹ thuật thuộc Bộ.

Để đảm bảo thực hiện phương hướng trên có kết quả, trong quá trình vừa công tác vừa học tập, từ nay mỗi công nhân chỉ học một thứ: hoặc văn hoá, hoặc kỹ thuật, như sau:

- Công nhân viên chưa có trình độ văn hoá cần thiết để học kỹ thuật, cần tập trung vào học văn hoá. Khi đạt trình độ văn hoá quy định mới chuyển sang học kỹ thuật;

- Công nhân đã có trình độ văn hoá quy định cần chuyển ngay vào học kỹ thuật;

- Công nhân đã tốt nghiệp sơ học tại trường hay tại chức cần tiếp tục học văn hóa để có thể vào các lớp kỹ thuật cao hơn.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Về tổ chức thực hiện sẽ thống nhất như sau:

A. Bổ túc lý thuyết: Tổ chức bổ túc lý thuyết ngoài giờ làm việc để thanh toán trình độ sơ học cho công nhân kỹ thuật là nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên của các xí nghiệp. Các cơ sở cần căn cứ vào tình hình phát triển sản xuất và trình độ hiện có của công nhân mà quy hoạch việc học tập và lần lượt tổ chức bổ túc lý thuyết kỹ thuật cho công nhân.

1. Tiêu chuẩn công nhân vào học.

Việc tổ chức bổ túc lý thuyết để nâng cao trình độ cho công nhân tiến hành một cách rộng rãi đối với tất cả mọi người có những điều kiện sau:

- Đang trực tiếp tham gia sản xuất và công tác ở xí nghiệp;

- Có trình độ văn hoá ít nhất là hết lớp 4;

- Tự nguyện tham gia học tập và tuân thủ đầy đủ nội quy học tập;

Đối tượng chủ yếu tham gia học tập theo yêu cầu trên là những công nhân kỹ thuật trong phạm vi lứa tuổi từ 40 trở xuống (cho cả nam lẫn nữ).

Quy định này có nghĩa là ai đã trên tuổi đó đều được miễn học, song nếu công nhân trên tuổi quy định, nhưng tự nguyện tham gia học tập thì vẫn được chấp thuận.

[...]