Thông tư 02-TTg-1964 quy định chế độ bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 02-TTg
Ngày ban hành 11/01/1964
Ngày có hiệu lực 11/01/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Để xây dựng một đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật cao, có khả năng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật phát triển trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật nhằm khuyến khích việc học tập trau dồi nghề nghiệp của công nhân trong các ngành nghề.

I. YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM BỔ TÚC

1. Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của công nhân cho phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của sản xuất và kỹ thuật ngày một phát triển, làm cho công nhân nắm vững kiến thức kỹ thuật, thành thạo tay nghề; ngoài ra còn biết thêm những việc cơ bản khác có liên quan đến nghề chính của người công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến kỹ thuật, áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến để không ngừng nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trên cơ sở trình độ kỹ thuật công nhân được nâng cao, dần dần tiến hành việc nâng bậc cho công nhân, bảo đảm có đủ công nhân lành nghề phục vụ cho yêu cầu sản xuất của xí nghiệp, công trường.

2. Phương châm tiến hành bổ túc cần lấy việc bổ túc tại chức và ngoài giờ là chủ yếu, những lớp bổ túc tập trung chỉ mở cho những nghề thật cần thiết để phục vụ kịp thời cho yêu cầu sản xuất hoặc mở cho những công nhân nào không có điều kiện học tại chức; chương trình bổ túc cần đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến tinh vi và phải lấy văn hoá làm cơ sở để nâng cao trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp của công nhân.

II. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC BỔ TÚC

1. Tổ chức các lớp bổ túc ngoài giờ làm việc:

a) Việc tổ chức các lớp bổ túc tại chức ngoài giờ làm việc để nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân là một nhiệm vụ thường xuyên của xí nghiệp, công trường. Các xí nghiệp, công trường cần căn cứ vào trình độ kỹ thuật của công nhân kết hợp với yêu cầu phát triển của sản xuất và kỹ thuật mà đề ra kế hoạch bồi dưỡng và phối hợp với Công đoàn tổ chức các lớp học bổ túc cho công nhân.

b) Tham gia các lớp bổ túc tại chức ngoài giờ làm việc bao gồm rộng rãi công nhân trong các ngành nghề, nhưng việc tổ chức học phải theo nguyên tắc: làm ngành nào học ngành ấy; những người kém lý thuyết cần bổ túc thêm về lý thuyết; những người tay nghề non kém thì bổ túc cho thành thạo tay nghề.

c) Đối với những công nhân trình độ văn hoá còn thấp chưa đủ kiến thức tiếp thu kỹ thuật, thời gian đầu cần bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá trước khi cho học kỹ thuật để bảo đảm chất lượng học tập.

2. Các lớp bổ túc tập trung:

a) Việc mở các lớp bổ túc tập trung phải được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Đối với một số xí nghiệp, công trường… sản xuất có tính chất thời vụ hoặc do điều kiện khác mà có từng thời gian tạm ngừng việc thì xí nghiệp, công trường có thể tranh thủ vào những thời gian đó để tổ chức các lớp bổ túc tập trung cho công nhân. Trong thời gian xí nghiệp tạm ngừng việc, Giám đốc xí nghiệp phải tìm hết cách bố trí kế hoạch sản xuất và lao động cho công nhân, cán bộ, còn việc mở các lớp học bổ túc tại chức thì làm ngoài giờ là chính. Trường hợp không thể bố trí được kế hoạch sản xuất khác, công nhân phải tạm nghỉ việc thì Giám đốc xí nghiệp xét cụ thể mà có thể tổ chức lớp học tập trung, nhưng phải có kế hoạch xin ngành chủ quản (nếu thuộc kế hoạch trung ương) và Ủy ban hành chính (nếu thuộc kế hoạch địa phương) duyệt trước khi mở lớp. Thời hạn các lớp học này phải phụ thuộc vào thời gian tạm ngừng việc. Khi đã có kế hoạch sản xuất và lao động mới thì phải chuyển sang học tại chức ngoài giờ là chính.

b) Tuyển chọn công nhân vào học các lớp bổ túc tập trung cần nhằm vào những công nhân có thành tích trong quá trình làm việc, những người lâu năm trong nghề nhưng còn yếu về tay nghề hoặc lý thuyết, và những người không có hoàn cảnh học tại chức. Những công nhân này phải có đủ trình độ văn hoá để học tập kỹ thuật.

3. Tổ chức bổ túc nâng bậc cho công nhân:

a) Trên cơ sở công nhân được bổ túc nâng cao trình độ nghề nghiệp và kỹ thuật, căn cứ vào yêu cầu sản xuất và quỹ tiền lương cho phép, các xí nghiệp, công trường… đề ra kế hoạch bổ túc nâng bậc cho từng loại công nhân cần thiết. Kế hoạch này phải được Bộ hoặc ngành chủ quản của xí nghiệp, công trường xét duyệt.

b) Công nhân được lựa chọn để kèm cặp nâng bậc cần nhằm vào những người sau đây:

- Những công nhân đã được học trong các lớp bổ túc;

- Những công nhân khá nhất về lý thuyết và tay nghề trong số những người cùng bậc thợ và ít nhất cấp bậc hiện giữ đã được trên một năm kể từ ngày được sắp xếp lương chính thức;

- Những công nhân năng suất lao động thường xuyên đạt mức trung bình tiên tiến của số công nhân cùng loại.

Ngoài ra, cần chú ý lựa chọn các chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến và những người chấp hành tốt kỷ luật lao động.

III. CHẾ ĐỘ HỌC TẬP VÀ KIỂM TRA

1. Thời giờ học tập:

a) Hàng tuần, các xí nghiệp, công trường phải bố trí để công nhân học tập bổ túc kỹ thuật 3 giờ ngoài giờ chính quyền; tuỳ theo tình hình cụ thể của từng xí nghiệp, công trường mà tổ chức học tập và một buổi tối hoặc trước hay sau giờ làm việc.

b) Trong thời gian sơ kết học kỳ và thời gian thi mãn khoá, công nhân học tập các lớp bổ túc kỹ thuật được miễn những buổi sinh hoạt, hội họp ngoài giờ chính quyền để ôn tập, kiểm tra.

2. Chế độ kiểm tra:

[...]