Quyết định 88-GD/QĐ năm 1968 về việc ban hành bản quy chế tạm thời về tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ban hành

Số hiệu 88-GD/QĐ
Ngày ban hành 28/03/1968
Ngày có hiệu lực 12/04/1968
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nặng
Người ký Bùi Đình Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 88-GD/QĐ

Hà Nội, ngày 28  tháng 03 năm 1968

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC CÁC LỚP SƠ CẤP CHUYÊN NGHIỆP CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ Nghị định số 183-CP ngày 02-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng.
Để đưa việc tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp vào nề nếp.
Xét đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ giáo dục và Vụ lao động tiền lương.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành bản quy chế tạm thời về tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp của Bộ Công nghiệp nặng.

Điều 2. - Vụ tổ chức cán bộ, Vụ giáo dục và Vụ lao động tiền lương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy chế này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Đình Đồng

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC CÁC LỚP SƠ CẤP CHUYÊN NGHIỆP CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88-GD/QĐ ngày 28-3-1968  của Bộ Công nghiệp nặng)

Trong những năm qua, song song với việc đào tạo công nhân kỹ thuật, các cơ quan, xí nghiệp, công trường thuộc Bộ ta đã tổ chức các lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, nhưng việc tổ chức và quản lý những lớp này chưa theo một quy chế thống nhất, do đó chưa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hiện nay cũng như sau này, trong sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà, hàng năm đòi hỏi phải đào tạo một số lượng khá lớn những người làm công tác kỹ thuật và nghiệp vụ ở trình độ sơ cấp để cung cấp cho các cơ sở. Công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo cán bộ, công nhân nói chung.

Vì vậy, trong lúc chờ Nhà nước ban hành một quy chế thống nhất, Bộ tạm thời ban hành quy chế này nhằm tăng cường công tác tổ chức và quản lý các lớp đào tạo nói trên, đưa công tác này vào nề nếp thống nhất và đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời tạo điều kiện phát triển hơn nữa về số lượng và ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng.

I. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ

Điều 1. - Lớp sơ cấp chuyên nghiệp là loại lớp đào tạo nhân viên mới, được tổ chức bên cạnh đơn vị sản xuất, công tác nhằm mục đích đào tạo nhân viên giúp việc kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ (chủ yếu là nghiệp vụ kinh tế) theo một chương trình có hệ thống. Học sinh ở các lớp này sau khi tốt nghiệp phải có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, nắm được lý thuyết cơ bản và có khả năng thực hành công tác theo yêu cầu đào tạo của chuyên nghiệp đã học.

Điều 2. - Để đạt mục đích trên, các lớp sơ cấp chuyên nghiệp có nhiệm vụ:

- Lấy việc rèn luyện chính trị tư tưởng làm gốc giáo dục cho học sinh trở thành những người lao động tốt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

- Áp dụng phương châm học tập kết hợp với thực hành, lý luận liên hệ với thực tế, giáo dục kết hợp với lao động, sản xuất làm cho học sinh dễ dàng nắm được kiến thức và nhanh chóng có năng lực thực hành công tác.

II. NGUYÊN TẮC GIAO CHỈ TIÊU VÀ XÉT DUYỆT MỞ LỚP

Điều 3. - Về chỉ tiêu đào tạo, Bộ không trực tiếp giao cho các cơ sở, hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất và yêu cầu chung, Bộ sẽ giao chỉ tiêu đào tạo cho các cục, tổng cục công ty và công ty trực thuộc.

Căn cứ chỉ tiêu cho phép của Bộ, các cục, tổng công ty và công ty trực thuộc dựa vào khả năng thực hiện để ấn định chỉ tiêu cụ thể cho cơ sở hoặc trực tiếp mở lớp.

Điều 4. - Quyết định giao chỉ tiêu đào tạo của cục, tổng công ty và công ty trực thuộc đối với các xí nghiệp được coi là quyết định cho phép mở lớp. Căn cứ vào quyết định giao chỉ tiêu, đơn vị mở lớp có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện.

Kế hoạch thực hiện phải được cục, tổng công ty hoặc công ty xét duyệt trước khi thi hành.

III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC LỚP

Điều 5.Tùy theo tình hình thực tế của nơi mở lớp, các lớp sơ cấp chuyên nghiệp có thể tổ chức theo hai hình thức:

- Hình thức tập trung, tổ chức cho từng chuyên nghiệp có từ 20 học sinh trở lên, thời gian đào tạo được phân ra làm hai giai đoạn: giai đoạn tập trung học lý thuyết và giai đoạn thực tập trong thực tế công tác.

- Hình thức vừa học vừa làm, tổ chức cho những chuyên nghiệp đào tạo số lượng ít, thời gian học lý thuyết và thực tập thực hành được bố trí xen kẽ nhau trong quá trình đào tạo.

[...]