Thông tư 03/2012/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 66/2011/NĐ-CP quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 03/2012/TT-BNV
Ngày ban hành 26/06/2012
Ngày có hiệu lực 15/08/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/TT-BNV

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2012

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2011/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 08 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐỐI VỚI CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU VÀ NGƯỜI ĐƯỢC CỬ LÀM ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU PHẦN VỐN CỦA NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN GÓP CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ Quy định việc áp dụng Luật Công nghệ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn của Nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 66/2011/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2011/NĐ-CP,

Chương 1.

TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM, CỬ NGƯỜI ĐẠI DIỆN, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN

MỤC 1. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP VÀ CỬ NGƯỜI ĐẠI DIỆN

Điều 1. Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm

1. Đạt tiêu chuẩn chung của chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng và Nhà nước.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể như sau:

a) Tốt nghiệp đại học trở lên; có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn và ngoại ngữ phù hợp theo yêu cầu của vị trí bổ nhiệm;

b) Người được đề nghị bổ nhiệm trong quy hoạch của doanh nghiệp, nếu không trong quy hoạch của doanh nghiệp thì phải có kinh nghiệm thực tế công tác tại doanh nghiệp khác tối thiểu 03 năm hoặc liên quan đến công tác quản lý doanh nghiệp;

c) Người được đề nghị bổ nhiệm lần đầu phải đảm bảo thời gian công tác đủ một nhiệm kỳ 05 năm (60 tháng), đối với chức danh kiểm soát viên là 03 năm (36 tháng);

d) Người quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật cách chức, sau khi quyết định kỷ luật hết hiệu lực nếu được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì tuổi bổ nhiệm thực hiện như quy định bổ nhiệm lần đầu.

3. Không bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh quản lý doanh nghiệp đối với một trong các trường hợp sau:

a) Đang trong thời gian xem xét kỷ luật;

b) Đang thi hành quyết định kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên thì không bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao hơn;

c) Đã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng.

Điều 2. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm

1. Đối với các chức danh thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, Hội đồng thành viên có văn bản xin chủ trương về chức danh, số lượng người đề nghị bổ nhiệm và dự kiến phân công công tác gửi Bộ quản lý ngành trình Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Nội vụ để thẩm định trình Ban Cán sự đảng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Trường hợp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, cấp có thẩm quyền trao đổi với trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra trước khi bổ nhiệm; đối với các chức danh thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành trao đổi với trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Đối với người được đề nghị bổ nhiệm trong quy hoạch của doanh nghiệp, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản về chủ trương, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục như sau:

a) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty họp giới thiệu từ 01 đến 03 người cho một chức danh dự kiến bổ nhiệm (có nhận xét, đánh giá từng người được giới thiệu bổ nhiệm);

b) Tổ chức lấy ý kiến (bằng phiếu kín), thành phần tham gia lấy ý kiến gồm: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; Tổng giám đốc (Giám đốc); Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc); Kế toán trưởng; kiểm soát viên; Trưởng và Phó Trưởng phòng (ban) và tương đương; Trưởng các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty; Thường vụ Đảng ủy. Chủ tịch công đoàn của Tập đoàn, Tổng công ty; Bí thư Đảng ủy, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc các doanh nghiệp thành viên 100% vốn nhà nước thuộc Tập đoàn, Tổng công ty; đại diện người đại diện phần vốn của Tập đoàn, Tổng công ty tại các doanh nghiệp là các công ty cổ phần do Tập đoàn, Tổng công ty giữ quyền chi phối;

c) Người chủ trì hội nghị nêu yêu cầu bổ nhiệm, tiêu chuẩn chức danh dự kiến bổ nhiệm; danh sách người được giới thiệu bổ nhiệm do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty giới thiệu; tóm tắt lý lịch, nhận xét, đánh giá, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác đối với người được giới thiệu bổ nhiệm; người được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm; ghi phiếu lấy ý kiến (không phải ký tên). Kết quả phiếu tín nhiệm có giá trị tham khảo quan trọng, là một trong những căn cứ để xem xét nhưng không phải là căn cứ chủ yếu, duy nhất để quyết định việc bổ nhiệm;

[...]