Thông tư 01-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn chế độ lương cho công nhân và nhân viên các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và công trường do Bộ Lao Động ban hành

Số hiệu 01-LĐ-TT
Ngày ban hành 05/01/1956
Ngày có hiệu lực 20/01/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN VÀ NHÂN VIÊN CÁC XÍ NGHIỆP CHÍNH PHỦ, DOANH NGHIỆP QUỐC GIA VÀ CÔNG TRƯỜNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch UBHC Liên khu Việt bắc, 3, 4, Khu tự trị Thái mèo, Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Tả, ngạn, khu vực Vĩnh Linh
- Các ông Giám đốc Lao động các Liên khu Việt Bắc, 3, 4, Tả ngạn, Hà Nội, Hải Phòng và Hồng Quảng
- Các vị Bộ Trưởng các Bộ

 

Nghị định số 650-TTg ngày 30-12-1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ lương cho công nhân, nhân viên kỹ thuật và công chức;

Bộ ra Thông tư này nhằm mục đích giải thích, hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên được kịp thời và kết quả.

I - MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VIỆC BAN HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ LƯƠNG.

Nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn hòa bình, đấu tranh chính trị hiện nay là khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa để nâng dần mức sống của nhân dân, củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam.

Công nhân, lao động chân tay và trí óc phải ra sức làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy.

Muốn được như vậy, mỗi người công nhân lao động phải cố gắng nâng cao hiệu suất lao động, giữ đúng kỷ luật lao động, thi đua phát triển sản xuất và đề cao cảnh giác bảo vệ sản xuất.

Trong mấy năm kháng chiến, công nhân, lao động cũng như quân đội và các tầng lớp nhân dân khác đã vì lòng thiết tha yêu nước quyết tâm chịu đựng gian khổ, phục vụ tiền tuyến để cho kháng chiến được thắng lợi. Nay lại phải ra sức phục hồi kinh tế thì cũng cần bồi dưỡng một phần sức lao động bị sút kém ấy. Như vậy mỗi người sẽ thêm phấn khởi tích cực thi đua sản xuất thi hành tiết kiệm phát triển nền kinh tế quốc dân.

Kinh tế quốc dân càng phát triển thì sẽ tạo thêm điều kiện để cải thiện sinh hoạt vật chất và văn hóa cho nhân dân.

Mặt khác để sử dụng đúng tài năng của mỗi người, khuyến khích học tập, rèn luyện để tiến bộ về chuyên môn và kỹ thuật và phát huy tinh thần lao động sáng tạo. Chính phủ ban hành các thang lương và những tiêu chuẩn nghề nghiệp để sắp xếp cho đúng mực.

Nói tóm lại, việc sắp xếp và trả lương theo thang bậc mới sẽ có tác dụng bồi dưỡng một phần sinh hoạt cho công nhân, cán bộ và công chức, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh sản xuất và công tác.

Căn cứ kết quả việc sắp xếp lần này, sẽ nghiên cứu một chế độ hợp lý hơn, hoàn toàn dựa trên sản xuất và có tác dụng đẩy mạnh sản xuất .

II. – NỘI DUNG VÀ NGUYÊN TẮC THI HÀNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN.

A – PHÂN LOẠI TRỌNG YẾU CÁC NGHÀNH SẢN XUẤT :

1 - Nghị định số 650-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chia các ngành sản xuất làm 5 loại. Mỗi loại có những mức lương khởi điểm và mức lương tối đa riêng.

- Việc phân loại này nhằm chiếu cố những công nhân và nhân viên  làm ở các ngành sản xuất trọng yếu mà quy mô  sản xuất to lớn hơn, tính chất nghề nghiệp khó nhọc hơn và  trình độ kỹ thuật tương đối cao hơn những công nhân, nhân viên làm ở các xí nghiệp khác.

Việc phân loại này căn cứ:

a) Theo phương châm phục hồi kinh tế hiện nay mà ấn định thứ tự trọng yếu của các ngành.

b) Theo trình độ tổ chức, trình độ kỹ thuật, tính chất và quy mô sản xuất của các xí nghiệp (cơ khí, bán cơ khí, tiểu công nghệ,vv…)

Phân hạng xí nghiệp :

2. – Trong mỗi loại tùy theo tính chất và quy mô sản xuất của các xí nghiệp mà từng Bộ, từng ngành sẽ chia ra làm 2, 3 hoặc 4 hạng xí nghiệp .

Thí dụ: Trong loại 1(mỏ) có thể chia làm 3 hạng xí nghiệp khác nhau. Mỏ than Hồng Gai xếp vào hạng 1 của loại 1, mỏ Phôt phát Khu 4 xếp vào hạng 2 của loại 1.

Mỗi Bộ, mỗi ngành sau khi đã chia các hạng xí nghiệp trong mỗi loại sẽ đưa sang Bộ Lao động duyệt trước khi thi hành.

Ngành sản xuất nào chưa có tên trong bảng phân loại thì Bộ Lao động sẽ cùng Bộ Sở quan nghiên cứu xếp loại.

3. – Nguyên tắc chiếu cố ngành: Về  mức lương chỉ chiếu cố những công nhân và nhân viên chủ yếu là những người phục vụ trực tiếp công việc sản xuất. Thí dụ trong ngành mỏ thì chiếu cố những công nhân làm những công việc trực tiếp về sản xuất than, công nhân tiện, đúc, điện (nếu trong mỏ có nhà máy), vv...Còn nhân viên thì Quản đốc, Đốc công, cán bộ kế hoạch, v.v....

[...]