Thông tư 01/2019/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 01/2019/TT-BGTVT
Ngày ban hành 11/01/2019
Ngày có hiệu lực 01/03/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Nhật
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2019/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường thủy nội địa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý và bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (gọi tắt là công trình đường thủy nội địa).

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa trên lãnh thổ Việt Nam (trừ các công trình đường thủy nội địa thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa bao gồm: cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Giao thông vận tải.

2. Đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện bảo trì đường thủy nội địa theo hợp đồng với chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý đường thủy nội địa hoặc cơ quan được nhà nước giao quản lý dự án bảo trì công trình đường thủy nội địa.

3. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, gồm: luồng đường thủy nội địa, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập thác; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng, bến; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa, hệ thống mốc (cao độ, tọa độ, chỉ giới hành lang bảo vệ luồng); nhà trạm; các thiết bị trực tiếp phục vụ công tác quản lý, khai thác giao thông đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác.

4. Quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa là tài liệu quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc về bảo trì công trình đường thủy nội địa.

5. Bảo trì công trình đường thủy nội địa là tập hợp các công việc nhằm đảm bảo và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác và sử dụng. Nội dung bảo trì công trình đường thủy nội địa có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình đường thủy nội địa nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình đường thủy nội địa.

6. Bảo dưỡng công trình đường thủy nội địa bao gồm các hoạt động theo dõi, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, duy tu thiết bị lắp đặt vào công trình nhằm duy trì đảm bảo sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình trong suốt quá trình khai thác.

Điều 3. Yêu cầu về bảo trì công trình đường thủy nội địa

1. Công trình đường thủy nội địa sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa được nghiệm thu, bàn giao để tổ chức quản lý và bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

2. Bảo trì công trình đường thủy nội địa được thực hiện theo quy định của Thông tư này, quy trình bảo trì, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật quản lý, bảo trì và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Công trình đường thủy nội địa phải có quy trình bảo trì trước khi đưa vào khai thác, gồm: luồng đường thủy nội địa; âu tàu; công trình đưa phương tiện qua đập, thác; cảng thủy nội địa; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

4. Các công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng chưa có quy trình bảo trì công trình thì thực hiện bảo trì theo quy định tại Điều 17 của Thông tư này.

5. Công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chi phí bảo trì công trình đường thủy nội địa

[...]